Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống giáo dục chuyển từ “đóng” sang “mở”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Các trường đại học vẫn đang nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, chưa chú ý đến phát triển năng lực cho sinh viên. Cách dạy và học cơ bản vẫn là “thầy dạy, trò ghi”, thi cử vẫn theo lối cũ, nhà trường thiếu gắn kết với doanh nghiệp”.

Đào tạo theo nhu cầu

Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nhìn thẳng vào những bất cập của giáo dục đại học (ĐH). Và, để giữ ổn định cho toàn hệ thống, từ năm 2014, Bộ sẽ không tiếp nhận hồ sơ nâng cấp hay thành lập mới trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). “Chúng ta không chấp nhận việc một trường trung cấp đang hoạt động tốt sẵn sàng nâng cấp để trở thành trường CĐ yếu. Sau một thời gian phục hồi, bắt đầu đào tạo có chất lượng trường CĐ ấy lại tìm cách nâng lên trở thành trường đại học yếu. Thực tế vừa qua cho thấy, chúng ta luôn có nhiều trường không mạnh. Cả hệ thống luôn ở trong trạng thái không ổn định, bất an. Việc nâng cấp các trường tới đây sẽ được chỉ định theo quy trình chúng tôi sẽ công bố công khai” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cương quyết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bộ trưởng Luận chỉ đạo, trong thời gian tới, giáo dục ĐH sẽ tiếp tục phải đổi mới theo hướng phải thay đổi hệ thống giáo dục “đóng” sang “mở”. Phải chuyển từ đào tạo theo khả năng của các nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội, thị trường lao động, phù hợp với khả năng và thế mạnh của nhà trường. Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được tăng cường. Đi cùng với đó là trách nhiệm trước xã hội sẽ phải nâng cao. Nội dung giáo dục ĐH, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phải sẽ phải được đổi mới theo hướng cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cần thiết, rèn luyện về kỷ luật và thái độ lao động, hiểu biết xã hội.

Đổi mới giáo dục ĐH nghĩa là thay đổi hoạt động kiểm tra đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá năng lực phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, năng lực thực hành, năng lực thích nghi với môi trường làm việc của người học.

Bộ trưởng Luận nhấn mạnh: Trong thời gian tới các trường sư phạm phải có sự thay đổi căn bản. Việc đổi mới các trường sư phạm phải được tiến hành trước một bước so với đổi mới giáo dục phổ thông, với mục đích bồi dưỡng nhận thức, phẩm chất và năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên các cấp. Trong các năm tới, hệ thống trường sư phạm sẽ  chú trọng:  Đào tạo ĐH, hệ chính quy, đào tạo lại, bồi dưỡng.

Tuyển sinh không phải là khâu duy nhất

Nhiều hiệu trưởng kêu khó khăn trong tự chủ tuyển sinh nên mong muốn duy trì thi “ba chung”. Tuy nhiên, theo thủ lĩnh ngành giáo dục, thi tuyển sinh là vấn đề rất quan trọng nhưng không phải là khâu duy nhất trong hoạt động đào tạo. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng ĐH cần phải có ngưỡng chất lượng đầu vào, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất. Vì, học sinh Việt Nam thi trượt ĐH trong nước, đi du học nước ngoài vẫn theo học được. Nói điều này không có nghĩa là coi nhẹ chất lượng đầu vào. Thế nhưng, chúng ta đang quá coi trọng nó cho nên tuyển sinh đã lấn át và làm lu mờ nhiều việc quan trọng khác. Do vậy cần đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về thi tuyển sinh.

Theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI chúng ta sẽ chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học. Các nhà trường cần thay đổi cách thi tuyển sinh ĐH để đổi mới được cách học, cách dạy ở trường phổ thông. Từ đó, đầu vào ĐH sẽ là những thí sinh có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nền kinh tế tri thức.

“Chúng tôi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các đồng chí, không phải là để quay trở lại thời kỳ trước “ba chung”, tổ chức tuyển sinh theo khối A (Toán, Lý, Hóa), khối C (Văn, Sử, Địa)… Các đồng chí dựa vào trí tuệ của tập thể sư phạm với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm; hiểu biết có được về năng lực, kỹ năng, phẩm chất cần có của sinh viên sau tốt nghiệp để xác định phương thức tuyển sinh cho phù hợp với từng ngành/lĩnh vực đào tạo. Qua đó góp phần hỗ trợ cho những đổi mới ở giáo dục phổ thông, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường” -Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo.