Kinhtedothi - Chiều 28/12, tại Hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ví hệ thống giáo dục của chúng ta như xây nhà 4-5 tầng (mầm non, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ). Thế nhưng hệ thống ấy không liên thông được cả về phương thức đào tạo và trình độ đào tạo. Chẳng khác nào, ở ngôi nhà 5 tầng thiết kế kỳ quặc theo kiểu anh đang ở tầng 1 muốn lên tầng 2 thì phải leo tới tầng 4 và 5; đang ở tầng 3 muốn lên tầng 5 thì phải đi xuống tầng 1; hay đang ở tầng 5 muốn xuống tầng 2 thì phải xuống tầng 1 rồi lên tầng 2.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận quán triệt Nghị quyết.
|
Giáo dục phổ thông và giáo dục đại học nặng về lý thuyết hàn lâm, không gắn với khoa học và càng không gắn với chuyển giao công nghệ. Vì thế dẫn đến một loạt các hệ quả là quá tải, dạy thêm học thêm tràn lan khiến xã hội bức xúc.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận giáo dục phổ thông chưa chú ý đến dạy dỗ để các cháu hình thành kỹ năng mềm, năng lực làm việc, nhất là hoạt động tập thể. Bởi thế, chúng ta có nhiều cá nhân giỏi nhưng không có tập thể lao động sáng tạo, nhóm các nhà khoa học giải quyết những bài toán lớn.
Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn bất cập. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ giáo viên đạt và vượt chuẩn rất cao nhưng trình độ thật về nghiệp vụ, chuyên môn và phẩm chất đạo đức chưa đạt.
Các trường đang theo đuổi cách học nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người (năng lực, phẩm chất, kỹ năng mềm, khả năng ứng phó và giải quyết). Cách thiết kế chương trình, sách giáo khoa, cách tổ chức dạy học của chúng ta, cả thế giới đã từng làm cách đây 40-50 năm. Với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, trong đó có khoa học giáo dục và đòi hỏi thị trường lao động dẫn đến cạnh tranh trong giáo dục đào tạo. Điều này buộc chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục.
Để thực hiện cách dạy học theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện, thủ lĩnh ngành giáo dục quán triệt chuyển nền giáo dục nặng về kiến thức sang chú trọng hình thành và phát triển năng lực phẩm chất của người học (tất nhiên, vẫn có dạy và truyền thụ kiến thức). Đó là phương tiện, là con đường, là cách thức giúp cho các cháu từng bước hình thành năng lực cá nhân. Ở bậc tiểu học thì phải dạy nhiều. Càng lên lớp trên, người thầy bên cạnh việc truyền thụ kiến thức (một phần nhỏ) sẽ giữ vai trò cố vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các cháu tự học.
Đổi mới cách học là biến quá trình học cá nhân thành học tập thể, theo nhóm dù ngồi trong lớp đông người. “Sắp tới sẽ thiết kế phòng học theo cách học sinh ngồi quây quần. Các cháu thảo luận từng nội dung và trình bày, đưa ra lập luận để bảo vệ ý kiến của mình, lắng nghe và phản biện ý kiến của bạn khác. Có thể các cháu đưa ra những lời giải ngược nhau nhưng kết quả giống nhau thì không có vấn đề gì. Trong quá trình dạy, chúng ta vừa tập cho các cháu có kiến thức, một phần do các thầy truyền thụ và phần nhiều từ tự học” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.
Đi vào cụ thể một vài môn học, thủ lĩnh ngành giáo dục than phiền chương trình dạy văn ở phổ thông như là giáo trình dạy chuyên văn cho nhà văn, nhà thơ. Bộ trưởng dẫn chứng: Con tôi học THCS phải làm bài thơ lục bát về trường; khi học nhạc, thầy cô yêu cầu chỗ này lên tới độ 6, chỗ kia lên tới độ 8. Bộ trưởng cho rằng, với môn Nhạc, các cháu hát được tập thể một số bài truyền thống của Đội, của Đoàn, quê hương, đất nước. Sau đó, chúng ta cho các cháu nghe những bản nhạc, bài hát của Việt Nam, quốc tế có chọn lọc và chủ đích để hình thàng công chúng thưởng thức âm nhạc, hội họa lành mạnh.
Còn với môn Thể dục, Bộ trưởng Luận đang đề nghị bỏ quy định bắt nhảy qua 1,1m hay 1,2m. “Các cháu nhỏ. Thể dục và sức khỏe là khác nhau. Đừng làm cho các cháu phát khiếp vì môn thể dục. Chúng ta dạy cho các cháu có ý thức, thói quen về rèn luyện thân thể và từng bước hình thành ý chí vượt bản thân mình. Có thể, hôm nay cháu nhảy qua được 80cm, ngày mai nhảy qua 90cm, ngày hôm sau nâng lên 95cm là vượt được bản thân” - Bộ trưởng Luận đưa ra ý tưởng.