Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội: Vừa thiếu và vừa quá tải

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 7,7 triệu dân và thường xuyên đón lượng lớn du khách trong và ngoài nước, thì việc lắp đặt, xây mới, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống nhà vệ sinh công cộng (VSCC) là yêu cầu cấp thiết với Hà Nội hiện nay.

Mới chỉ có 371 nhà VSCC
Vào những dịp tổ chức các sự kiện lớn hay các buổi tối cuối tuần tại khu vực Hồ Gươm, cảnh người dân phải xếp hàng dài, thậm chí có người vì chờ đợi không được nên cố chen lấn, xô đẩy nhau để vào nhà VSCC không còn là chuyện lạ. Điển hình, vào ngày cuối cùng của năm 2017, biển người đã đổ về khu vực Hồ Gươm để đón năm mới 2018. Ba khu nhà VSCC không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng quá lớn nên đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải.
 Nhà vệ sinh công cộng mới lắp đặt tại vườn hoa Paster.
Không chỉ ở khu vực trung tâm, địa điểm du lịch mà trên nhiều tuyến phố, việc thiếu nhà VSCC dẫn tới những tình huống "dở khóc, dở cười" của không ít người dân, khách du lịch. Để xử lý tình huống "khó nói" này, không ít người đã phải vào quán cà phê hay cửa hàng nào đó để sử dụng nhờ nhà vệ sinh. Một số trường hợp khác lại chọn gốc cây, bờ tường... tạo nên những hình ảnh phản cảm. Như tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi… dài hàng ki lô mét nhưng không có một nhà VSCC nào.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (đường Trường Chinh, quận Đống Đa) chia sẻ: Tôi đi làm xe ôm, những lúc muốn đi vệ sinh phải vào quán gọi cốc bia rồi xin đi nhờ. Ở Hà Nội mỗi khu vực Hồ Gươm là có nhiều nhà VSCC đã khiến nhiều người tạt té vào bụi cây, bờ tường để giải quyết chỉ vì "bí quá”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay, tổng số nhà vệ sinh trên địa bàn TP Hà Nội là 371 nhà (không bao gồm số nhà vệ sinh do Vinasing mới lắp đặt). Trong đó có 113 nhà vệ sinh bằng vỏ thép, hầu hết được xây dựng từ năm 2003 – 2010. Còn lại 258 nhà vệ sinh bằng gạch, hầu hết được xây dựng từ trước năm 1990 nhằm phục vụ nhu cầu vệ sinh tại các khu dân cư và được phân bố trong các khu nhà dân, khu tập thể, nằm sâu trong ngõ. Với hơn 7,7 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch đến với Hà Nội mỗi năm, số lượng 371 nhà VSCC nêu trên chỉ là quá ít ỏi.

Nhiều đơn vị quản lý

Nhằm cải thiện tình trạng thiếu nhà VSCC trong bối cảnh ngân sách TP còn eo hẹp, UBND TP đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành 1.000 nhà VSCC theo hình thức xã hội hóa. Dự án này vẫn đang được Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing thực hiện. Đến cuối năm 2017, Công ty này đã sản xuất được 165 chiếc, bàn giao được 98 chiếc cho TP Hà Nội.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều nhà vệ sinh mới đưa vào sử dụng đã bị lỗi, trang thiết bị hư hỏng. Thậm chí nhiều cái mới làm xong đã khóa cửa, bỏ hoang vì chưa kết nối được điện nước.

Đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), đơn vị được giao vận hành hệ thống nhà vệ sinh này cho biết: “Đang trong quá trình chạy thử nghiệm và thời gian bảo hành nên Vinasing chưa bàn giao chính thức. Khi có hỏng hóc chúng tôi buộc phải đóng cửa để bàn giao lại cho nhà thầu sửa chữa. Chính vì chưa được quản lý chính thức nên Công ty mới tạm thời cắt cử công nhân trông coi, dọn vệ sinh 8 tiếng/ngày”.

Theo tìm hiểu, hiện nay, hệ thống nhà VSCC trên địa bàn TP đang được giao cho nhiều đơn vị quản lý, vận hành. Số nhà bằng gạch tại 4 quận nội thành chủ yếu do Công ty Urenco quản lý trông coi và dọn vệ sinh (171 nhà).
Số nhà vệ sinh bằng thép Urenco quản lý 9 nhà, còn lại do các đơn vị vệ sinh môi trường hoặc các đơn vị quản lý vườn hoa, công viên nơi có đặt các nhà VSCC quản lý. Đối với các khu vệ sinh bằng gạch nằm trong khu dân cư và nhà do Vinasing mới lắp đặt không thu phí. Còn lại các nhà bằng thép đều có thu phí 2.000 đồng/lượt.

Bà Trần Thị Vân (Dốc Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, hàng ngày, tôi đi tập thể dục tại Vườn hoa Pasteur, ở đây có hai nhà VSCC, cái mới lắp sạch đẹp thì không thấy thu phí còn cái cũ thì lại thu. TP nên có chủ trương thống nhất về việc này để người dân không “bối rối” mỗi khi phải vào.
Tuy nhiên, tôi thấy hệ thống nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp, thường xuyên bốc mùi bẩn thỉu, người dân chúng tôi sẵn sàng đóng phí, để từ đó, Nhà nước lấy nguồn thu đầu tư lại các dịch vụ cho tốt hơn”.

Mới đây, khi tới chúc Tết cán bộ, công nhân viên Công ty Urenco, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, TP sẽ cho lắp đặt thêm các nhà VSCC lưu động xung quanh các điểm du lịch, khu trung tâm… để phục vụ người dân và du khách. Điểm đáng lưu ý, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tới đây sẽ miễn phí sử dụng nhà VSCC cho người dân trên toàn địa bàn TP. Bởi việc thu phí tại các nhà VSCC mỗi năm không đáng bao nhiêu tiền, vì vậy nên phục vụ miễn phí, kể cả với khách du lịch.
Lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu các đơn vị có chức năng duy trì hoạt động của nhà VSCC 24/24 giờ, không được để tình trạng "đóng sớm, mở muộn" như hiện nay. Các đơn vị quản lý phải xây dựng kế hoạch phân công công nhân làm vệ sinh sạch sẽ, trang bị đầy đủ hệ thống điện, nước cho các nhà VSCC này.