Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hết thời chạy theo giá trị ảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 13 năm sử dụng cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch, làng bóng đá Việt Nam mới đi đến được thống nhất, thôi chạy theo thành tích để hướng đến những giá trị căn bản và tự cứu chính mình.

 Tất nhiên, vẫn còn những tranh cãi về yếu tố pháp lý của việc hạn chế cầu thủ nhập tịch, nhưng rõ ràng, đây là quyết định nhằm tạo nền tảng cho hệ thống đào tạo trẻ của các đội bóng.

Thui chột tài năng trẻ

Có một thời, V - League được đánh giá là giải đấu hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Các đội bóng dưới sự đóng góp về chuyên môn của cầu thủ ngoại có khả năng cạnh tranh hơn. Nhiều CLB tự tin bước ra đấu trường khu vực, thậm chí là châu lục cũng nhờ sử dụng nhiều cầu thủ gốc ngoại. Người ta thống kê, trong đội hình giúp Bình Dương, Ninh Bình và Hà Nội T&T thành công ở AFC Cup có quá nửa là cầu thủ gốc ngoại. Thậm chí, Ninh Bình có thời điểm ra sân với 8 cầu thủ như vậy.

 
Cầu thủ nhập tịch Huỳnh Kesley (giữa) của  Bình Dương.
Cầu thủ nhập tịch Huỳnh Kesley (giữa) của Bình Dương.
Bên cạnh sự “lấp lánh” mà các cầu thủ ngoại mang lại cho các đội bóng cũng như sân chơi, có một điều mà giới chuyên môn nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo là việc, cầu thủ nội, đặc biệt là các tiền đạo không có đất dụng võ. Bằng chứng là 10 năm trước, khi mới 20 tuổi, Công Vinh đã là Quả bóng vàng Việt Nam do ít đội bóng dám sử dụng cầu thủ nội trên hàng công như SLNA. Và rồi, trong suốt 10 năm qua, Công Vinh luôn là tiền đạo số 1 của Đội tuyển quốc gia. Tất nhiên, điều đó cho thấy khả năng chuyên môn của cầu thủ này, nhưng mặt khác cũng phản ánh một thực tế, nền bóng đá nước nhà không thể cung cấp những tiền đạo giỏi do các đội bóng sính dùng ngoại binh vì áp lực thành tích.

Và khi các đội bóng vì thành tích, thương hiệu mà đua nhau nhập tịch, sắm cầu thủ ngoại thì Đội tuyển quốc gia thường xuyên đối diện với cuộc khủng hoảng nhân tài. Đội tuyển thường xuyên nuôi tham vọng mới bằng những con người cũ. Vậy nên, dù có một giải đấu tiêu tốn tiền bạc nhất Đông Nam Á nhưng Đội tuyển quốc gia thường xuyên thất bại ở đấu trường khu vực.

Thay đổi hoặc... phá sản

Nhiều đội bóng giải thể vì không có nguồn tài chính vững chắc. Sự khó khăn của nền kinh tế khiến các ông bầu mệt mỏi, không còn muốn tự biến mình thành con thiêu thân lao vào cuộc chơi đầy tốn kém. Vậy nên, các đội bóng phải đứng trước lựa chọn phải thắt lưng buộc bụng nếu không muốn lâm vào cảnh phá sản.

Người ta thống kê rằng, có đến 40 - 50% kinh phí hoạt động của một đội bóng được chi cho cầu thủ gốc ngoại. Thời cao điểm, có những đội bóng bỏ cả chục tỷ đồng để nhận được sự phục vụ của một cầu thủ ngoại trong một năm. Nếu ký hợp đồng với 6 - 7 cầu thủ ngoại, bao gồm cả nhập tịch thì khoản tiền mà các ông bầu phải chi là vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, VFF cũng đứng trước áp lực cần phải hành động để đảm bảo bản sắc cho mỗi đội bóng cũng như thành công của Đội tuyển quốc gia ở đấu trường quốc tế. Khi các đội bóng vì chạy theo thành tích mà đốt tiền cho ngoại binh thì cũng có nghĩa họ sẽ cắt khoản chi cho đào tạo trẻ. Về lâu dài, nền bóng đá sẽ phát triển một cách méo mó, thiếu bài bản và đánh mất bản sắc vốn có.

Thật mừng là trong bối cảnh khó khăn về tài chính, các đội bóng hiểu ra rằng, họ phải thay đổi cách tiêu tiền, hướng đến sự phát triển bền vững thay vì chạy theo giá trị ảo. Vậy nên, đề xuất giảm cầu thủ ngoại xuống còn 2, nhập tịch còn 1 được các đội bóng nhanh chóng đi đến đồng thuận. Thế mới nói, sự khó khăn mà nền bóng đá đang đối diện không chỉ mang đến sự đổ vỡ mà còn đem lại nhận thức đúng về con đường phải đi.