Nằm mơ kỷ lục
Hồ hởi kiếm chỗ tại rạp chiếu trong những ngày Tết Nguyên đán, khấp khởi đợi chờ doanh thu khi tung ra các “chiêu” cười và dàn người đẹp đang “hot”, song điều ai nấy đều nhận ra khi kết thúc mùa phim Tết là: Kỷ lục doanh thu chỉ có trong… mơ.
Điểm mặt 5 phim Việt ra rạp mùa Tết này thấy: “Ngày nảy ngày nay”, “Trúng số”, “Quý tử bất đắc dĩ”, “Siêu nhân X” và “Hợp đồng ma” đều theo thể loại hài và đều có các gương mặt “đắt khách”. Rôm rả nhất nơi rạp chiếu có lẽ là “Quý tử bất đắc dĩ” (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) với khoảng 300.000 lượt người tới rạp sau 10 ngày công chiếu. Tính đến hết mùng 7 Tết (25/2), nhà sản xuất thu về được 44 tỷ đồng. Nối gót là “Ngày nảy ngày nay” (đạo diễn Cường Ngô) trụ lại các rạp chiếu tới tận mồng 8 Tết với khoảng nửa triệu lượt người xem, thu về hơn 40 tỷ đồng. Cán đích thứ ba là “Hợp đồng ma” của đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm. “Trúng số” (đạo diễn Dustin Nguyễn) thì theo lời của nhà sản xuất phim, đã thu hồi được vốn đầu tư làm phim và “thu lời chút đỉnh”. Còn “Siêu nhân X” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, ra rạp từ 4/2, nhưng cho đến 25/2 chỉ thu về được khoảng 16 tỷ đồng – một con số khiến nhà phát hành Galaxy cảm thấy hụt hẫng…
Dù cho bà Lưu Hồng Hạnh - đại diện CGV (nhà phát hành) nhìn nhận, doanh thu của “Trúng số” là một bất ngờ lớn vì trước khi ra rạp, phim được đánh giá là “kén” khán giả. Hơn nữa, nhà sản xuất còn cho rằng, phim chưa được xếp lịch chiếu một cách công bằng ngoài rạp, nên ảnh hưởng tới doanh thu. Song dù có cố níu kéo người xem tới tận dịp 8/3 như “Siêu nhân X” thì khả năng doanh thu cũng chỉ dừng ở mức… hòa vốn. Bởi cứ so sánh với các mùa phim Tết đã qua sẽ thấy, cách đây 2 năm, “Nhà có 5 nàng tiên” đã về đích với doanh thu 51 tỷ đồng. Năm ngoái (2014), “Cô dâu đại chiến” phần 2 thu gần 40 tỷ đồng sau 2 tuần chiếu Tết… Nghĩa là kỷ lục doanh thu mà đạo diễn, đơn vị sản xuất lẫn nhà phát hành mong đợi chỉ có… trong mơ.
Không còn sức hút
Lý giải cho sự sụt giảm doanh thu mùa phim Tết này, nhiều người trong giới làm nghề cho rằng, khán giả hiện nay không chỉ nhắm tới rạp chiếu vào Tết mà đã san sẻ nhu cầu vào nhiều dịp trong năm. Ngay bản thân nhà sản xuất cũng không chỉ chăm chăm vào Tết để đưa phim ra rạp. Điển hình là trước Tết 2 – 3 tháng, “Để mai tính 2” đã rôm rả ngoài rạp chiếu, mang lại doanh thu khá cao. Một tháng trước Tết thì “Chàng trai năm ấy” cũng mang về cho đạo diễn trẻ Quang Huy doanh thu “khủng”. Hơn nữa, phim Việt cũng bị phim ngoại với tiếng tăm và kỹ xảo hiện đại lấn át phần nào. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách công bằng, lối làm phim theo kiểu “sống dựa” vào cười nhảm và chân dài đã không còn đủ sức hút công chúng. Rất nhiều người thừa nhận, họ đã chán với cách cười cũ, cách làm cũ của phim Việt bấy lâu. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cả công chúng, thậm chí cả “người trong cuộc” không còn thấy mặn mà với Cánh Diều Vàng – giải thưởng điện ảnh vốn được coi là Oscar của điện ảnh Việt bấy lâu. Bởi có “đãi cát tìm vàng”, có “so bó đũa, chọn cột cờ” trong niềm vui năm nay nhiều phim tham dự giải hơn, thì người ta vẫn không tìm thấy điều gì mới mẻ hơn một lối làm phim đã nhạt. Cũng vì lẽ đó mà không ít nhà sản xuất, đạo diễn hững hờ, chần chừ khi nhận được giấy mời mang phim đến tham dự giải.
Có lẽ, nhà biên kịch Nguyễn Quỳnh Trang nói đúng, phim Việt cần có sự thay đổi, bỏ lại đằng sau lối làm phim không quan tâm nhiều đến nội dung, chỉ cần cười và diễn viên tên tuổi. Cái cười đã nhạt, công chúng đã quan tâm đến chất lượng phim Việt với nội dung, với góc hình và kỹ xảo khi bủa vây xung quanh là những bộ phim “bom tấn” của nước ngoài được đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn hình ảnh. Nghĩa là phim cười nhảm đã hết thời, nếu nhà làm phim cứ đi trên lối mòn ấy thì sự thất thu sẽ nằm ngay trước mắt chứ chẳng cần chờ đến mùa phim Tết năm sau.
Một cảnh trong phim ''Quý tử bất đắc dĩ''.
|