Trước đó, dịp trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc, tử vong do rượu.
Thông tin từ các bệnh viện cho biết, phần lớn bệnh nhân ngộ độc rượu do ethanol (rượu tự nấu) và rượu methanol (pha cồn công nghiệp), một số ít trường hợp nặng do uống rượu ngoại, rượu tự ngâm...
Hiện đã có 8 nạn nhân tử vong trong vụ ngộ độc rượu xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu |
Theo các chuyên gia y tế, với ngộ độc do ethanol, trường hợp nhẹ gây ức chế thần kinh trung ương, nói nhiều, không làm chủ được bản thân, nặng thì tụt huyết áp, loạn nhịp tim, thở yếu, có thể ngừng thở, gây hạ đường huyết, viêm dạ dày, chảy máu dạ dày, tổn thương não, hôn mê, tử vong… Tuy nhiên, với ngộ độc do methanol thì nguy cơ tử vong rất cao.
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ, Tết, hàng loạt vụ ngộ độc, tử vong, đâm chém nhau, tai nạn giao thông, loạn thần gia tăng. Và chưa bao giờ tình trạng lạm dụng rượu, bia tại Việt Nam lại ở mức báo động như hiện nay khi mỗi năm tiêu thụ tới 3,4 tỷ lít bia, 270 triệu lít rượu, nằm trong top 25 của thế giới. Đáng lo ngại là lượng rượu, bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua, còn ở Việt Nam lại tăng theo đường thẳng đứng. Và hậu quả nghiêm trọng là ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế và là nguyên nhân gây ra gần 70% số vụ bạo lực gia đình. Chưa kể, một mối nguy cho toàn xã hội khi số lượng người nghiện rượu vào bệnh viện tâm thần điều trị hiện đã tăng gấp hơn 10 lần so với cách đây 10 năm. Đau lòng là có nhiều bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, chỉ 20 - 25 tuổi, thậm chí nhiều bệnh nhân mới chỉ 14 - 15 tuổi.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong số 77% nam giới Việt Nam sử dụng rượu, bia, có đến 44% mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, 41% bị viêm loét dạ dày, tá tràng, gần 18% mắc trĩ, 40% bị tăng huyết áp, chưa kể, rượu bia còn tác động ghê gớm về mặt tâm thần. Nhiều người lo ngại, nếu cứ tái diễn tình trạng “sáng ngâm trong bia, chiều ngâm trong rượu” như một tỷ lệ lớn người dân hiện nay thì đất nước Việt Nam khó bề phát triển. Tại một hội thảo về vấn đề tác hại của rượu, bia được tổ chức mới đây ở nước ngoài, không ít chuyên gia nước bạn phải “sởn da gà” sau khi nghe một báo cáo về tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam . Có người đặt câu hỏi: Việt Nam đang là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?
Trong khi tình hình “say xỉn”, loạn thần của nam giới ngày càng nghiêm trọng thì Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia dự kiến phải tháng 5/2018 mới được đệ trình Quốc hội, chậm hơn nhiều lần so với các dự kiến trước đây. Và vấn nạn lạm dụng rượu, bia, sử dụng, buôn bán rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng vẫn là mối lo của toàn xã hội cùng những hiểm họa khó lường.