Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểm họa tiềm ẩn khi Hà Nội biến thành sông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ tắc đường, mưa gió táp vào mặt, những người tham gia giao thông còn đối mặt với ẩn họa “hố địa ngục” (cách gọi vui của những hố gas cống thoát nước, bị mất nắp cống).

KTĐT - Không chỉ tắc đường, mưa gió táp vào mặt, những người tham gia giao thông còn đối mặt với ẩn họa “hố địa ngục” (cách gọi vui của những hố gas cống thoát nước, bị mất nắp cống).

Cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa hạ làm tan đi cái nắng nóng gay gắt lên tới gần 40 độ C tại Hà Nội mấy ngày gần đây. Song, nó cũng biến nhiều đoạn đường của Hà Nội thành sông, gây tắc đường hàng loạt và mang tới nhiều nguy hiểm tiềm ẩn khi tham gia giao thông.

Ngại tắc đường

Sáng ngày 13/7, cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa kéo tới khiến nhiều đoạn phố của Hà Nội biến thành sông, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Thành Chính, vừa dắt chiếc xe máy Lead, vừa văng tục vì “số đen,” khi chiếc xe chết máy do đường ngập. Chiếc áo mưa không giúp anh khô ráo bởi phải lội đến đầu gối để dắt xe. “Kiểu gì thì cũng đến cơ quan muộn, lại bị trừ lương mất thôi,” anh lẩm bẩm.

Theo quan sát của nhóm phóng viên Vietnam+, tại khu vực đường Trường Chinh, ngã ba Trần Hưng Đạo-Trần Bình Trọng, Giải Phóng (lối rẽ vào Linh Đàm), Phan Bội Châu… nhiều chiếc xe máy nhích từng centimet giữa trời mưa tầm tã.

Nước mưa xối xả làm hệ thống cống rãnh không tiêu thoát kịp, gây ngập và chết máy xe làm tình cảnh giao thông trở nên hỗn loạn. Nhiều chiếc xe phải “nhảy” lên vỉa hè, đi ngược chiều… mong thoát khỏi cảnh tắc đường để đến cơ quan sớm. Thậm chí, cột đèn, biển báo giao thông cũng không phải là vấn đề quan trọng không thể… bỏ qua.

“Xe của tôi chết máy cũng vì… dừng lại khi đèn đỏ bởi nước trên đường xộc vào ống khói. Bởi thế, họ vượt đèn đỏ cũng là lẽ… thường tình,” anh Chính nói.

Chị Nguyễn Thị Hà kể rằng, tại quân Long Biên, đường tắc từ chân cầu chui (Nguyễn Văn Cừ) tới lên đến sát chân cầu Chương Dương. Lo sợ chiếc cầu này quá tải, nhiều người đi xe máy đã chuyển hướng sang cầu Long Biên.

Tuy tại cầu Long Biên, lưu lượng người qua cầu không nhiều nhưng vì gió quá lớn, khiến những người mặc áo mưa có xẻ hai bên bị tốc bay che kín cả mặt. “Chưa bao giờ tôi có cảm giác cầu Long Biên dài đến thế, không ai còn để ý tới việc giữ khô người, mà tất cả đều phải tập trung chống chọi với gió, gồng mình giữ lái thăng bằng,” chị Hà nói.

Trên thực tế, mưa quật rát mặt, không nhìn thấy đường, gió đẩy đến mức nhiều người phụ nữ đã phải dừng xe lại giữa cầu. Đi không được, đứng lại cũng không xong.

Lo… “hố địa ngục”

Không chỉ tắc đường, mưa gió táp vào mặt, những người tham gia giao thông còn đối mặt với ẩn họa “hố địa ngục” (cách gọi vui của những hố gas cống thoát nước, bị mất nắp công).

Chị Bùi Thúy, một người tham gia giao thông cho hay, chỗ làm của chị là ở phố Lý Thường Kiệt, thế nhưng đi đến Rạp Xiếc Trung ương (phố Trần Nhân Tông) thì chị phải gửi xe, đi bộ.

Tới khu vực đường Quán Sứ, chị Thúy tá hỏa khi thấy bà chủ quán nước chè cảnh báo có cái hố sâu trên vỉa hè. “Rất may là có người thông báo, chứ nếu không có thể tôi đã sa xuống cái hố đó rồi,” chị Thúy kể lại.

Tại khu vực đường Hoàng Quốc Việt, Phan Trọng Tuệ, nhiều người vừa đi chậm, vừa rất cẩn thận bởi không ai dám chắc, chiếc nắp cống có bị lấy trộm hay không.

Ngoài chuyện nơm nớp sập "hố địa ngục", những cột điện sửa dang dở với hàng búi dây ngập trong nước khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại khi đi trên vỉa hè.

Chị Lan, một tay kéo chiếc áo mưa dài quét đất, nặng trịch vì sũng nước, một tay xách túi, dò dẫm bước thấp bước cao, ngập ngừng trên vỉa hè Quán Sứ. Buộc phải lướt qua hai, ba chiếc cột điện đang được sửa chữa, chị vừa đi vừa nói với chị bạn bên cạnh: "Đành nhắm mắt đưa chân thôi. Làm ăn thế này, có người chết lại đổ tại số."

"Đi qua những đoạn đường thế này, lo chết thôi. Đi sát đường thì sợ sập nắp cống, đi trên hè thì sợ điện giật. Bởi thế, tôi chọn đi ra giữa đường để an toàn hơn. Cẩn tắc vô áy náy mà," anh Trung, một người tham gia giao thông nói./.