Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia Tài nguyên cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Sanath Ranawana cho biết, ADB đã phê duyệt khoản tài trợ hơn 100 triệu USD để giúp Chính phủ Việt Nam lắp đặt 8 hệ thống thủy lợi hiện đại ở 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Hệ thống này giúp cải thiện năng suất nông nghiệp, nhất là đối với những người nông dân canh tác các loại cây có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, nho, thanh long và xoài.
 ADB sẽ hỗ trợ 100 triệu USD để giúp Việt Nam hiện đại hóa các kênh mương thủy lợi nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp
Hỗ trợ của ADB cho việc nâng cấp các hệ thống thủy lợi, bao gồm hệ thống đường ống nước áp lực và cấp nước theo nhu cầu, cũng sẽ gồm những biện pháp chính sách để giúp các tỉnh Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa và Ninh Thuận cải thiện các dịch vụ quản lý tưới, bao gồm đánh giá hiệu suất sử dụng nước và nước ngầm, cũng như vận hành và bảo trì công trình thủy lợi. Nó cũng sẽ hỗ trợ xây dựng các hệ thống vi tưới cải tiến dựa trên loại cây trồng và nhu cầu của người nông dân.
“Một hệ thống thủy lợi được hiện đại hóa giúp tối ưu hóa tiềm năng của ngành nông nghiệp của Việt Nam là yếu tố then chốt đối với mục tiêu tăng trưởng đồng đều và bền vững của quốc gia. Trọng tâm của dự án về khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là thông qua cung cấp nước dựa trên nhu cầu cho người nông dân, sẽ giúp các nông hộ nhỏ nâng cao sản lượng cây trồng và tăng thu nhập” ông Sanath Ranawana chia sẻ.
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 18,3% tổng sản phẩm quốc nội và 44% lực lượng lao động trong giai đoạn từ 2008 tới 2016. Tuy nhiên, dù là một trong những quốc gia có mức độ bao phủ thủy lợi tốt nhất Đông Nam Á, chiếm khoảng 50% tổng diện tích đất đai có thể canh tác của quốc gia, song hơn một nửa các hệ thống tưới tiêu của Việt Nam hoạt động dưới công suất do cơ sở vật chất lạc hậu. Điều này ảnh hưởng tới năng suất của người nông dân tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu.
Hỗ trợ của ADB bao gồm khoản vay ưu đãi trị giá 100 triệu USD và khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 300.000 USD từ Quỹ Biến đổi khí hậu, được thành lập vào tháng 5 năm 2008 để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư lớn hơn tại các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
ADB cũng sẽ quản lý một khoản viện trợ không hoàn lại khác trị giá 750.000 USD từ Quỹ Tín thác Hà Lan trong khuôn khổ Quỹ Đối tác tài trợ về Nước, được thành lập vào tháng 11/2006 để cải thiện tiếp cận nguồn nước cho người dân trong khu vực dự án. Khoản viện trợ này sẽ hỗ trợ xây dựng các đánh giá nguồn nước và khung phân phối nước, đánh giá năng suất nước, và một nền tảng giám sát nước tưới cho cây trồng.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2017, tổng vốn hỗ trợ của ADB đạt 32,2 tỷ USD, bao gồm 11,9 tỷ USD đồng tài trợ.