Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiện hữu nỗi lo siết tín dụng -Bài cuối: Làm sao để không triệt tiêu sức sản xuất của doanh nghiệp?

Hà Nam – Tiểu Thúy thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để trực tiếp giải quyết câu chuyện lấy tiền ở đâu ra, nhiều DN phát hành trong nỗ lực của mình, thậm chí bán đi các tài sản với giá rẻ hơn từ 20 - 35% so với giá thị trường để tạo nguồn thu trả nợ trái phiếu…

>> Bài 1: Khó khăn đã đến từng doanh nghiệp, nhà đầu tư

>> Bài 2: Cần giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Nhằm giúp bạn đọc hình dung thực trạng giải quyết dư nợ trái phiếu và làm sao giải quyết khoản dư nợ này mà không triệt tiêu sức sản xuất, kinh doanh của DN phát hành (DNPH), Kinh tế & Đô Thị đã có buổi trao đổi với luật sư Công ty Luật Legal United Law Nguyễn Sơn Tùng - người đã tham gia cùng vào việc giải quyết và xử lý trái phiếu cho một số DNPH nhiều năm vừa qua.

Luật sư Công ty Luật Legal United Law Nguyễn Sơn Tùng.
Luật sư Công ty Luật Legal United Law Nguyễn Sơn Tùng.

Theo ghi nhận, cuối năm 2022 là giai đoạn có quy mô đáo hạn TPDN khá lớn, theo luật sư, điều này có trở thành phép thử đáng kể cho năng lực trả nợ của DNPH trong bối cảnh nền kinh tế bị siết tín dụng hay không?

- Trong thực tế vận hành của thị trường tài chính, càng về cuối năm, đặc biệt là vào cuối tháng 11 và tháng 12, các áp lực liên quan đến thanh khoản sẽ càng gia tăng. Chính vì thế không chỉ dừng lại ở hai từ “phép thử”, rõ ràng với các khoản trái phiếu đã đến hạn hay đang và sẽ đến hạn trong Quý IV và đối với một số DNPH trái phiếu rơi vào kỳ hạn này, chúng đặt ra hàng loạt các vấn đề về uy tín, khả năng trả nợ, năng lực tài chính kể cả khả năng về sự tồn tại mang tính sống còn của DNPH.

Vậy đâu là thực trạng chính của việc giải quyết dư nợ TPDN?

- Những chỉ số về số nợ, dư nợ, lãi suất, nguồn tài chính trả nợ trong hiện tại và khả năng trả nợ trong tương lai là những chỉ số cơ bản trong thị trường trái phiếu. Ngoài ra thị trường trái phiếu Việt Nam hiện đang phải đối diện và được đo lường bởi chỉ số niềm tin lẫn yếu tố khác của thị trường chứng khoán nói chung.

Doanh nghiệp BĐS phải đối mặt với việc tiếp cận vốn tín dụng mới hay phát hành trái phiếu để đảo nợ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Dũng
Doanh nghiệp BĐS phải đối mặt với việc tiếp cận vốn tín dụng mới hay phát hành trái phiếu để đảo nợ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Dũng

Dư nợ trái phiếu, cụ thể là dư nợ trong từng nhóm ngành, hiện nay các nhà phân tích chia dư nợ ra theo các nhóm. Trong đó có dư nợ nhóm ngành bất động sản (BĐS), nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, nhóm ngành Sản suất và nhóm ngành khác… Chi tiết hơn nữa thì dư nợ trái phiếu sẽ được tính theo từng khoản nợ của từng DNPH.

Nhìn chung, với dư nợ trái phiếu, dù là của từng DNPH hay theo nhóm ngành thì hiện nay dư nợ theo thời gian đang tăng dần lên theo cấp số nhân, điều này phản ánh số nợ trái phiếu thực tế đã được thanh toán là khá thấp so với số dư nợ đang và sẽ phát sinh.

Giải quyết dư nợ trái phiếu hiện nay đang là bài toán khó và hóc búa của toàn thị trường nói chung. Các giải pháp nhằm giải quyết dư nợ, theo tôi từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy Ban Chứng Khoán đến các DNPH về mặt vĩ mô hay vi mô đều biết cả nhưng biện pháp và công cụ khả dĩ trong thực tế có hay không và hiệu quả đến đâu để giải quyết thực trạng này và làm sao kéo dư nợ TPDN giảm xuống, đảm bảo thị trường này phát triển bền vững và ổn định trong tương lai dài hạn, đấy mới là điều quan trọng. Thị trường hiện nay rất cần các giải pháp mang tính đồng bộ và tổng thể, kể cả sự chung tay và chia sẻ tích cực từ phía các trái chủ.

Ông có đề cập đến ý kiến về cần sự chung ta và chia sẻ của các trái chủ, tại sao phải cần điều này?

- Trái chủ chính là chủ nợ của các DNPH, nếu nói rộng hơn trái chủ chính là chủ nợ của thị trường trái phiếu và ngoại trừ các trái chủ là tổ chức, cá nhân trong nước, trái chủ còn là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam.

Trong bài toán tổng thể về xử lý nợ này, nếu như tất cả các trái chủ cứ khăng khăng và đưa ra yêu cầu, đến hạn thì DNPH phải thanh toán đủ nợ gốc cộng tiền lãi cho TPDN mà họ nắm giữ, hoặc không đồng ý gia hạn nợ trái phiếu, không đồng thuận với các phương án về xử lý nợ trái phiếu trước hạn hoặc chuyển đổi trái phiếu cũng như các biện pháp khả dĩ mà DNPH họ đề xuất… nói chung nếu các trái chủ gây khó khăn thì rất dễ đi vào bế tắc cho chính DNPH lẫn chính các trái chủ.

 

Đã đến lúc Chính phủ cần có các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm vừa giải quyết được dư nợ trái phiếu vừa không triệt tiêu sức sản xuất, kinh doanh của các DNPH. Giải quyết hài hòa được hai vế này thì mới có thể góp phần và tạo đà cho thị trường trái phiếu phát triển bền vững, ổn định hơn trong tương lai.
Luật sư Công ty Luật Legal United Law Nguyễn Sơn Tùng

DNPH hơn ai hết họ biết rõ họ đang có điều kiện gì, công cụ gì và khả năng như thế nào để giải quyết nợ trái phiếu, các trái chủ hay cơ quan quản lý Nhà nước, thật sự cũng cần lắng nghe họ thay vì chỉ gây sức ép cho họ.

Trước sức ép đến hạn của hàng chục nghìn tỷ đồng TPDN trong năm nay và hàng trăm nghìn tỷ đồng trong 2 năm tới. Theo ông, tiền đâu để DNPH trả nợ?

- Đấy là mấu chốt căn bản và là câu hỏi chính của toàn thị trường TPDN hiện nay, kể cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp và cũng là mối bận tâm, lo lắng chính của tất cả các DNPH lẫn các cơ quan ban hành chính sách và quản lý Nhà nước chuyên ngành. Để trực tiếp giải quyết câu chuyện lấy tiền ở đâu ra, nhiều DNPH trong nỗ lực của mình đã từng bước áp dụng tổng thể các biện pháp nhằm có được nguồn và dòng tiền như: Huy động vốn qua các kênh huy động khác; phát hành thêm trái phiếu; ưu tiên đẩy mạnh tập trung vào các khoản thu trong ngắn hạn từ các nguồn thu khác và thậm chí bán đi các tài sản với giá rẻ hơn từ 20% - 35% so với giá thị trường để tạo nguồn thu trả nợ trái phiếu…

Theo số liệu của VBMA (Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam), trong 9 tháng năm 2022 có 142.200 tỷ đồng trái phiếu được các DNPH mua lại và đây cũng là con số đáng ghi nhận của thị trường.

Với các DNPH là DN sản xuất, DN thuộc nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng hoặc các DN hoạt động đa ngành nghề, họ có khả năng và cơ hội tốt hơn từ các nguồn thu khác và họ không dựa hoàn toàn vào BĐS nên trong việc mua lại hay tất toán các khoản nợ trái phiếu, họ có điều kiện tốt hơn ví như Tập đoàn Gelex, Ngân hàng OCB, Chứng khoán Kỹ Thương, Cơ điện lạnh REE, Công ty Yamagata, An Phát Finance... là những DN mà trong 9 tháng vừa qua tham gia khá hiệu quả trong hoạt động mua lại.

Với trái phiếu mà các DNPH là DN hoạt động kinh doanh và đầu tư BĐS đơn thuần, khi thị trường gần như “đóng băng” và gặp nhiều khó khăn từ năm 2020 đến nay, đương nhiên với con số giá trị trái phiếu BĐS cần đáo hạn là hơn 20.000 tỷ đồng tính trong quý IV năm nay rõ ràng là một sự áp lực lớn trong khi tính thanh khoản chung của thị trường này đang xuống khá thấp.

Vậy làm sao vừa giải quyết được dư nợ trái phiếu vừa không triệt tiêu sức sản xuất, kinh doanh của các DNPH?

- Hầu hết các DNPH với các trái phiếu đã đến hay sắp đến hạn, khi trao đổi tôi đều nghe họ tâm sự: “Nợ thì phải trả rồi nhưng giá như các trái chủ thư thả cho việc mua lại, tất toán trái phiếu một chút”. Đấy là nỗi niềm của nhiều DNPH phản ánh tình trạng căng thẳng và gay gắt trong vấn đề thanh toán nợ trái phiếu hiện nay, kể cả những khoản nợ chưa đến hạn.

DNPH trước hết họ cần phải sống hay tồn tại được cái đã, nhất là với nhóm trái phiếu BĐS đang rất khó khăn hiện nay. Trong khi họ chờ đợi các gói vay và giải ngân từ ngân hàng, có thể chúng sẽ đến dễ dàng hơn vào quý I/2023, tình trạng tài chính của họ trong hiện tại là không đủ mua lại, tất toán các khoản nợ trước đây nên việc trái chủ hay các cơ quan quản lý Nhà nước bắt DNPH phải mua lại trước hạn, không cho họ gia hạn hay không chấp nhận việc họ chỉ trả được phần lãi và cho nợ phần gốc… thì thật sự đẩy các DNPH này vào thế rất khó khăn. Nếu cứ tiếp tục đòi hỏi như vậy sẽ rất khó thành công.

Xin cảm ơn ông!