Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiến kế phát triển nông nghiệp bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - TSKH. Hà Phúc Mịch, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2012. Đồng thời đề xuất một số giải pháp tạo điều kiện để người nông dân phát huy được hết nội lực, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững.

TSKH. Hà Phúc Mịch chia sẻ: Những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2012 là rất phấn khởi. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm ước đạt hơn 27,5 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 15 tỉ USD, tăng 10%; thủy sản 6,15 tỉ USD; lâm sản đạt gần 5 tỉ USD, tăng 17,6%... Đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đất nước và thế giới mới thấy hết giá trị mà ngành Nông nghiệp đã đạt được.

 
Hiến kế phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.
 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Hạt gạo của ta dù xuất khẩu đạt số lượng hàng đầu thế giới nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nông nghiệp, cùng với việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có giá trị gia tăng cao; giá cả phân bón, thức ăn gia súc còn cao,… cũng đang đặt ra nhiều thách thức cần sớm giải quyết.

Tập trung đưa các loại giống chất lượng vào sản xuất

Hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là: “Tỷ lệ sản xuất nông nghiệp lạc hậu ở nước ta còn lớn, cả về giống và quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản,... Sự yếu kém này trải đều từ trung du miền núi phía Bắc, đến miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam bộ, nhiều quy trình sản xuất tiến bộ vẫn chưa được nông dân áp dụng hiệu quả”, ông Mịch trăn trở.

Do vậy, để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, gắn với nâng cao đời sống của người nông dân, trước mắt là đạt được những mục tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2013, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức thị trường để phát triển mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Nếu trước đây, chúng ta tập trung vào giống năng suất cao để xóa đói giảm nghèo, thì nay chúng ta cần phải tập trung sản xuất các loại giống có chất lượng để hướng tới xuất khẩu.

Theo đó, nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo theo hướng đầu tư kinh phí cho các viện nghiên cứu lai tạo giống, tạo giống mới và nhân giống thuần chủng để tạo ra những giống chất lượng. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất tập thể, cánh đồng mẫu lớn… để sản xuất hàng hóa, có như vậy sản phẩm nông nghiệp của ta mới cạnh tranh được trong quá trình hội nhập.

Phổ biến khoa học kỹ thuật

Bên cạnh việc nghiên cứu đưa các loại giống chất lượng vào sản xuất, thì việc chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân cũng có vai trò quan trọng. Theo đó, cũng cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, làm các mô hình sản xuất để người dân được nhìn thấy, được học tập, làm theo trên những mô hình cụ thể.

Theo ông Mịch, công tác đào tạo nghề cho người nông dân cũng cần được đổi mới, cán bộ không thể nói “lý thuyết suông” mà cần phải “cầm tay chỉ việc”, để người nông dân được nhìn thấy hiệu quả cụ thể thì họ mới làm theo. Do đó, ông Mịch cho rằng cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, cán bộ phải thông thạo cả về lý thuyết và thực hành, “miệng nói, tay làm” để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho dân.

Đặc biệt, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ví như trong một số lĩnh vực nuôi trồng Việt Nam có ưu thế và còn nhiều tiềm năng phát triển như: nuôi cá basa, cá tra, tôm,…

Bên cạnh việc phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, thì cần phải tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nuôi trồng theo đúng quy trình, không “du di, cắt xén” quy trình. Đồng thời, cần có chính sách quản lý chặt chẽ, khoa học đối với các khu vực nuôi trồng, các nhóm hộ để bảo đảm kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Nâng cao chất lượng tín dụng nông nghiệp

Bên cạnh đó, TSKH. Hà Phúc Mịch cho rằng: Để tạo điều kiện cho nông dân, khu vực kinh tế tập thể, doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng sản xuất, Nhà nước cũng cần sớm rà soát, điều chỉnh để nâng cao chất lượng tín dụng nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận các nguồn vốn. Vì hiện nay, tuy đã có chính sách về vấn đề này nhưng còn chưa đồng bộ, nhiều điểm thiếu hợp lý.

Ông Mịch lấy ví dụ như trong Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì nhiều nông dân sống ở các phường mới được đô thị hóa không được tiếp cận nguồn vốn này, vì Nghị định chỉ quy định cho nông dân ở xã mới được vay vốn. Hoặc chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp quy định chỉ hỗ trợ nông dân mua các loại máy nông nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên (Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg). Nhưng thực tế, nông dân không muốn vay là do các máy móc có tỷ lệ nội địa cao thì công suất và độ bền của thiết bị khi vận hành thường không ổn định, dễ gặp trục trặc hơn so với các máy móc nhập ngoại,…

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng giá cả một số mặt hàng đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn cao, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi không giảm nên người dân đầu tư chăn nuôi lớn không có lãi, thậm chí có nơi người nông dân, chủ trang trại bị thua lỗ, phải “treo chuồng”, “treo ao”. Chưa kể điệp khúc được mùa, mất giá vẫn còn lặp lại ở một số nơi mà chưa có chính sách khắc phục thực sự hiệu quả.

Do vậy, TSKH. Hà Phúc Mịch cho rằng: Nhà nước cũng cần phải có chính sách điều tiết đối với các mặt hàng trọng yếu, đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần sớm rà soát, điều chỉnh các chính sách tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp cho thông thoáng, đồng bộ, phù hợp với thực tế. Bảo đảm việc hỗ trợ tín dụng đến được với từng người dân, chủ trang trại,… để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, không chỉ sống được mà còn vươn lên làm giầu từ đồng ruộng, trang trại.

Đồng thời, cần rà soát, ban hành chính sách đồng bộ để thu hút doanh nghiệp về nông thôn. Vì đây là lĩnh vững rủi ro cao, phụ thuộc lớn vào vùng nguyên liệu và thời tiết… Nếu không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn thì không gỡ được nút thắt để phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp bảo quản sau thu hoạch.