Thanh Oai sẽ là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết: Năm 2023, huyện Thanh Oai hoàn thành 20/21 chỉ tiêu kinh tế xã hội. Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 28.507 tỷ đồng, đạt 103,2 kế hoạch, tăng 13,5% với năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.700 tỷ đồng, bằng 105% dự toán TP giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,1 triệu đồng/người/năm.
Về giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đến nay huyện đã bàn giao mặt bằng được 83,25ha (đạt 95,7%).
Về nước sạch, huyện có 10/21 xã, thị trấn, mạng lưới nước tập trung xã với 43% số hộ được cấp nước sạch từ các công trình cấp nước sạch tập trung. Hiện nay, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đề xuất của Công ty CP Viwaco về việc thỏa thuận dịch vụ cấp nước cho 11 xã huyện Thanh Oai.
Về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2023 huyện có thêm 5 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Nâng tổng số xã đạt NTM nâng cao của huyện lên 12/20, 3 xã NTM kiểu mẫu, 1 thị trấn Kim Bài đạt chuẩn văn minh đô thị. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị TP và T.Ư công nhận Huyện đạt chuản NTM nâng cao (trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.)
Tại hội nghị, huyện Thanh Oai có 8 kiến nghị đề xuất UBND TP các sở, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, gỡ vướng trong công tác quy hoạch, giao thông, phát triển đô thị, hệ thống cấp nước sạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, lĩnh vực điện, đầu tư công và hoạt động quân sự - quốc phòng.
Đặc biệt, huyện Thanh Oai kiến nghị, đề xuất về Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, để thực hiện tốt công tác định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai, huyện Thanh Oai đề xuất cập nhật đưa vào đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, huyện đề xuất điều chỉnh, bổ sung tính chất và chức năng của huyện Thanh Oai và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: “là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại cho khu vực trung tâm TP, đang có xu hướng phát triển lên quận giai đoạn 2028 – 2030; Là vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề, phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics quan trọng phía Nam Thủ đô; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quan trọng của Thủ đô”.
Huyện đề xuất định hướng quy hoạch khu trung tâm huyện Thanh Oai mở ra các xã giáp ranh lân cận với thị trấn Kim Bài như Thanh Mai, Tam Hưng, Đỗ Động, Kim Thư, Kim An; định hướng quy hoạch trụ sở trung tâm hành chính huyện tại thị trấn Kim Bài, Thanh Mai.
Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch 2 khu công nghiệp trong có có 1 khu tại các xã Thanh Văn – Tân Ước với quy mô 350ha, 1 khu tại xã Xuân Dương khoảng 150ha; định hướng phát triển du lịch với quy hoạch sân golf 300ha tại xã Kim An và một phần thuộc xã Kim Thư, thị trấn Kim Bài.
Thanh Oai cũng đề xuất định hướng phát triển hệ thống khung giao thông trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện kiến nghị UBND TP Hà Nội xác định 1 vị trí trung tâm thông quan trên tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Thanh Oai.
Đề nghị UBND TP định hướng quy hoạch không gian ngầm kết nối trung tâm TP với tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Thanh Oai và tuyến đường trục phía Nam đi các khu du lịch tâm linh như Tam Chúc, chùa Hương, chùa Bái Đính; định hướng quy hoạch tuyến đường Phương Trung – Đỗ Động thành tuyến đường tỉnh kết nối các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín; tuyến giao thông kết nối Đông Tây tuyến Thanh Mai – Mỹ Hưng.
Định hướng phát triển hệ thống cấp nước, huyện được sử dụng 100% nước sạch từ nguồn nhà máy nước mặt sông Đà và nhà máy nước Hà Đông. Huyện cũng đề nghị điều chỉnh quy hoạch đường điện cao thế 500KVA giáp hành lang an toàn giao thông đường Vành đai 4.
Quy hoạch vùng huyện là cơ hội vàng để Thanh Oai bứt phá
Làm rõ một số đề xuất, kiến nghị trọng tâm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng phân tích, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai định hướng phát triển đô thị sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội.
Huyện đã xin bổ sung phát triển quy hoạch đô thị; bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp; nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc trục phát triển phía Nam và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái ven sông Đáy; quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông. Điều chỉnh quy hoạch chung của huyện đều căn cứ theo quy hoạch chung Thủ đô, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Các quy hoạch về công nghiệp, đô thị sinh thái có kết nối với các quận, huyện.
Cụ thể, huyện phân ra 4 vùng để định hướng quy hoạch. Vùng 1 phía Bắc phát triển đô thị (khu đô thị phía Tây Vành đai 4, KĐT Thanh Hà, KĐT Mỹ Hưng). Vùng 2 phía Bắc QL 21B định hướng quy hoạch phát triển du lịch sinh thái với sân golf Kim An, đầm Thượng Thanh (Thanh Cao), khu đô thị mật độ thấp cạnh kênh Yên Cốc. Vùng 3: phía Tây quy hoạch không gian ngầm dọc trục đường phát triển phía Nam. Vùng 4 phía Nam phát triển công nghiệp, vùng nông nghiệp công nghệ cao, logistics.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, Thanh Oai xác định quy hoạch là cơ hội vàng để huyện bứt phá trong thời gian tới. Công tác lập quy hoạch vùng huyện được huyện Thanh Oai triển khai quyết liệt trên cơ sở kế thừa, tiếp thu các quy hoạch đã được phê duyệt.
Sau khi nghe 9 ý kiến của lãnh đạo sở, ngành TP và lãnh đạo huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau buổi làm việc này, UBND TP sẽ ban hành thông báo tới các sở ngành, yêu cầu triển khai các nhiệm vụ liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn để huyện Thanh Oai phát triển.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị, huyện Thanh Oai cần nỗ lực nhiều hơn nữa để phấn đấu đạt mục tiệu Huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025 và đạt các tiêu chí lên quận giai đoạn 2028 – 2030. Đối với các mục tiêu năm 2024 về kinh tế - xã hội, huyện cần bám sát để thực hiện, đặc biệt là tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn đầu tư. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành TP đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị… cho Thanh Oai.
Nhấn mạnh về việc Thanh Oai đề xuất TP chấp thuận điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai và các nội dung tích hợp vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho rằng: “quy hoạch vùng huyện Thanh Oai phải thực hiện đúng theo Luật Xây dựng và căn cứ vào điều chỉnh tổng thể của quy hoạch chung xây dựng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 theo quyết định số 4464/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của UBND TP Hà Nội. Quy hoạch phải mang tính kế thừa, hợp lý, phù hợp với quy hoạch Thủ đô”.
Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cơ bản thống nhất, tán thành với định hướng quy hoạch của huyện nêu tại Quy hoạch vùng huyện Thanh Oai. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Viện Quy hoạch - Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc hỗ trợ, hướng dẫn huyện Thanh Oai khẩn trương hoàn thiện một số nội dung định hình các khu chức năng. Trong đó nghiên cứu thêm định hình phát triển vùng phía Nam của huyện, chẳng hạn như mở rộng diện tích phát triển công nghiệp), Hay tập trung phát triển các dải đô thị theo 3 trục: trục QL21B, trục kênh Yên Cốc và trục phát triển phía Nam của TP.