Trước đó, hãng tin Reuters ngày 21/2 cho biết, dự thảo cuối cùng của CPTPP nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế thành viên đã được công bố. Đây được xem là tín hiệu rõ ràng và xác quyết nhất cho tới thời điểm này, khẳng định sự tồn tại và khả năng hiện thực hóa cao nhất của hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi.
Theo đó, đã có hơn 20 điều khoản hoặc bị tạm treo hoặc đã được thay đổi trong dự thảo cuối cùng của hiệp định trước lễ ký kết chính thức dự kiến diễn ra trong tháng 3 tới.
Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, đại diện Bộ Công thương khẳng định, CPTPP kế thừa tất cả nội dung của hiệp định TPP trước đây, do vậy, các lợi ích của TPP trước đây đối với Việt Nam vẫn còn. “Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP thì cân bằng chung của Hiệp định có thay đổi với tất cả các nước, đặc biệt là về cam kết mở cửa thị trường”, Bộ Công thương cho biết. Dù vậy, theo Bộ Công thương, các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam, như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico….
Về 20 nhóm nghĩa vụ “treo”, Bộ Công thương cho biết, thay đổi này dựa trên cơ sở có cân nhắc tới việc thay đổi cân bằng chung của hiệp định khi không còn Mỹ, chủ yếu là các nghĩa vụ cao được Mỹ đề xuất trước đây. “Do vậy, CPTPP mới sẽ phù hợp hơn với năng lực thực thi của các nước, đặc biệt trong bối cảnh các lợi ích thu được từ việc Mỹ mở cửa thị trường không còn nữa”, đại diện Bộ Công thương nói.
Nhấn mạnh CPTPP có quy mô kinh tế không lớn như TPP trước đây nhưng trong bối cảnh quốc tế hiện nay Bộ Công thương cho rằng nó vẫn được coi là nền tảng quan trọng để định hình các mối quan hệ mới trong khu vực và đem lại các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp các nước trong khi gánh nặng thực thi lại được được giảm đi đáng kể. “CPTPP cũng là tiền để để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Mỹ quay trở lại tham gia. Do vậy, lợi ích trong tương lai có thể tăng lên hơn nữa”, theo Bộ Công thương. “Có thể nói quá trình đàm phán đến nay đã kết thúc. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các nước thành viên đang xem xét để đi đến ký kết vào ngày 8/3/2018 tới đây”, đại diện Bộ Công thương nói.
CPTPP là hiệp định thương mại được sửa đổi trên nền tảng TPP ban đầu với 12 thành viên gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tuy nhiên do Mỹ rút nên CPTPP được 11 thành viên còn lại tiếp tục theo đuổi cho 1 khu vực có tổng GDP chiếm 14% toàn cầu với dân số khoảng 500 triệu. Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP từ tháng 11/2010.