Sự tương phản thể hiện quá rõ ràng khi Anh và Nhật Bản kết thúc quá trình đàm phán thành công chỉ trong thời gian ngắn, còn đàm phán giữa Anh và EU lại cứ vẫn dai dẳng triền miên. Phía Anh tỏ ra vô cùng hài lòng về thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra cả tối hậu thư cho EU để gia tăng áp lực đối với EU.Thoả thuận thương mại tự do giữa Anh và Nhật Bản có hiệu lực ngay từ đầu năm tới. Phía Anh tính rằng thỏa thuận này sẽ giúp Anh tăng trao đổi thương mại với Nhật Bản hàng năm khoảng 16,5 tỷ Euro. Số liệu thống kê của Anh năm 2018 cho thấy kim ngạch trao đổi thương mại giữa Anh và Nhật Bản khoảng 33 tỷ Euro, chiếm tỷ lệ không đầy 1% GDP của Anh trong khi với EU đạt khoảng 750 tỷ Euro. Có nghĩa là mức độ giá trị vật chất của thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và Nhật Bản chỉ rất nhỏ đối với Anh, nhưng trọng lực của nó lại không hề nhẹ đối với Anh.
Sau khi ra khỏi EU, nước Anh cần đối tác và thị trường mới bù lấp vào khoảng trống mà lại không thể dễ dàng và nhanh chóng có được thỏa thuận hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại mới với các nền kinh tế lớn nhất của thế giới như Mỹ và Trung Quốc. Thỏa thuận đạt được với Nhật Bản có ý nghĩa chính trị và tâm lý rất to lớn đối với Anh, khích lệ Anh và giúp Anh tự tin hơn trong nỗ lực tìm kiếm và tranh thủ đối tác mới.
Ở chừng mực nhất định còn có thể giúp Anh đề cao vị thế trong đàm phán tiếp với EU hay đi vào đàm phán với Mỹ hoặc các đối tác khác về những thỏa thuận thương mại tự do song phương cũng như đa phương.