Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Tổng Kiểm toán Nhà nước và Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó, HoREA không nhất trí với đề xuất cách tính tiền sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo HoREA, tại Văn bản số 6211/STNMT-QLĐ ngày 23/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị toàn bộ khuôn viên đất xây dựng khu nhà ở chung cư (sau khi đã trừ lộ giới đường giao thông, hành lang an toàn, bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư - khối đế và diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, sân chơi, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi…) phải được xác định là đất ở, phải tính nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Kiến nghị trên đây của Sở Tài nguyên và Môi trường TP chỉ đúng với các dự án nhà chung cư quy mô nhỏ nhưng không đúng quy định pháp luật hiện hành đối với các dự án nhà chung cư quy mô lớn
HoREA lý giải, đối với các dự án nhà chung cư quy mô nhỏ, phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, sân chơi, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi… không thuộc diện phải bàn giao cho địa phương hoặc đơn vị chuyên ngành quản lý, vận hành.
Tuy nhiên, trường hợp các dự án nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có quy mô lớn, phần đất này sau khi hoàn thành xây dựng theo quy định phải bàn giao lại cho địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, HoREA cho rằng, nhận định và đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP chưa chuẩn xác và không đúng với thực tiễn.
Chủ tịch HoREA ông Lê Hoàng Châu cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án xây dựng nhà ở chung cư, các sở liên quan và Hội đồng thẩm định giá đất TP đã tính đúng, tính đủ chi phí và doanh thu của dự án, bao gồm phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi, toàn bộ diện tích tầng hầm, kể cả phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế nhà chung cư.
"Do nhận định và đề xuất như vậy, nên Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cấp “sổ hồng” cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở chung cư, dẫn đến khách hàng mua nhà cũng chưa được cấp “sổ hồng”, làm phát sinh các hệ quả như: Chủ đầu tư bị thiệt hại do không thu được 5% giá trị hợp đồng mua nhà (phần còn lại), đồng thời, bị khách hàng mua nhà khiếu kiện vì không được nhận “sổ hồng” theo Hợp đồng mua bán nhà đã ký và theo quy định của Luật Nhà ở", ông Châu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Châu, khi đó, khách hàng mua nhà là bên vô can, lẽ ra phải được cấp “sổ hồng” trước, còn nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, nên cần tách bạch hai vấn đề này, để sớm giải quyết cấp “sổ hồng” cho khách hàng mua nhà.
Vì không có “sổ hồng” nên cả chủ đầu tư và khách hàng mua nhà không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế và chưa được bảo vệ quyền sở hữu đầy đủ; công tác quản lý nhà nước trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng do chậm cấp “sổ hồng”.
Từ những phân tích trên, HoREA kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo không thu thêm tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi… và phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư.