Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị cho xuất khẩu gạo trở lại

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -"Lo ngại giá lúa gạo sẽ tụt dốc và gây vỡ trận, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị Bộ Công Thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.

Chiều 26/3, tại buổi họp với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo tại TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiệp hội và các doanh nghiệp, đại diện các địa phương sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đều kiến nghị với Bộ Công Thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.
 Nhận thấy, gạo đầy kho, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu trở lại
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết, vụ Đông Xuân năm nay các diện tích đều cho năng suất và sản lượng tốt, hạn hán xâm nhập có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, vụ Hè Thu các địa phương cũng đang chuẩn bị xuống giống. Vì vậy, hầu hết 13 tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều thống nhất đề nghị chính phủ cho xuất lại gạo, nếu không giá lúa gạo trên thị trường sẽ tụt dốc và gây vỡ trận ngay.
Mấy ngày hôm nay giá lúa gạo trên thị trường chỉ giảm 500 đồng/kg là vì chờ tới ngày 28/3, xem quyết định của Thủ tướng. Theo dự báo từ cuộc họp, nếu không cho xuất khẩu gạo lại chắc chắn giá lúa gạo trên thị trường sẽ rơi tự do.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, hiện nay lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký phải giao hàng trong tháng 4 khá lớn, nên nếu tạm dừng đột ngột thông quan các đơn hàng gạo xuất khẩu từ ngày 24/3 sẽ làm cho các công ty xuất khẩu gạo lâm vào tình thế rất khó khăn.
Các lô hàng đang xếp dang dở ở cảng bị dừng đột ngột, đối mặt phí lưu tàu, lưu container và chi phí rút hàng đem về là con số quá lớn, ngoài sự chịu đựng của tất cả doanh nghiệp và không theo bất cứ tiền lệ nào; việc tạm dừng - nếu có cũng nên theo lộ trình và có thời gian cho doanh nghiệp sắp xếp lại ít nhất 2 tuần.
Ngoài ra, việc không giao được hàng làm cho doanh nghiệp đối mặt rủi ro phải bồi thường hợp đồng cho đối tác theo các Luật Thương mại quốc tế, ảnh hưởng hình ảnh chung của ngành gạo Việt Nam. Cũng theo ý kiến trên, việc dừng xuất khẩu gạo sẽ gây ảnh hưởng lớn toàn ngành lương thực, nông dân giảm thu nhập và không nên vì an ninh lương thực mà bắt buộc nông dân phải gánh hết trách nhiệm này.
Cùng với đó, các nhà máy chế biến gạo chỉ làm duy nhất mặt hàng nào mà không có ngành hàng nào thay thế, hàng trăm nhân viên của nhà máy phải đối mặt với cảnh mất việc, và các khoản vay tín dụng không có ngoại tệ để các doanh nghiệp đáo hạn ngân hàng, kéo theo khó khăn chung ngành ngân hàng và các ngành phụ trợ, như bao bì, vận chuyển, logistic… không xoay xở kịp theo các thay đổi này, khả năng bị hủy bỏ nhiều đơn hàng và thiệt hại rất lớn.
Do vậy, kiến nghị Chính phủ cho tiếp tục thông quan ngay các lô hàng hiện tại đến ngày 15/4/2020, hoặc có lộ trình hợp lý vì càng kéo dài doanh nghiệp càng thiệt hại do phí lưu hàng tại cảng, tàu đang chờ ăn hàng...
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hòa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ cho biết, quý I/2020, thông thường các hợp đồng sẽ được ký và giao hàng rải đều trong năm nhưng do tình hình dịch bệnh nên thị trường có vấn đề về lưu thông phân phối, đang lúc lộn xộn khách hàng tranh thủ chốp thời cơ mua nhanh, bán nhanh nên muốn nhập gấp để muốn bán được giá cao.
Điển hình, thị trường Trung Quốc thời gian qua do dịch bệnh nên bất ổn bây giờ tình hình ổn định lại họ muốn tăng nhập cùng một lúc; rồi các nước nhập khẩu lớn như Indonesia, Philippines, Malaysia cũng đẩy mạnh nhập khẩu, nhưng thực ra nhu cầu gạo của họ năm nay không tăng bao nhiêu so với năm ngoái, một khi họ nhập khẩu đủ rồi sẽ không nhập nữa.
“Không phải lúc này tốc độ nhập khẩu cao rồi mấy tháng sau cũng vẫn nhập khẩu với tốc độ như vậy, khi họ đã nhập đủ lượng hàng cần thiết sẽ ngưng không nhập nữa. Trong thương mại, khách hàng thường ăn hàng mạnh trong những lúc tranh tối, tranh tháng sáng như thế này.
Gạo là loại hàng hóa không để lâu được, khi nhập về họ phải tính toán và tranh thủ bán ngay, kể cả giá tàu vận chuyển có cao lên một tí cũng chấp nhận để đưa hàng về cho kịp, vì vậy, lượng hàng bán ra có cao hơn nhiều so với cùng kỳ là vậy. Đối với thị trường trong nước việc giá gạo tăng nhẹ không thể gọi sốt giá, mà do ảnh hưởng tâm lý sợ bị cách ly do dịch bệnh của người dân nên mua dồn dập lượng gạo dự trữ trong nhà”, ông Hòa chia sẻ.
Riêng đối với mặt hàng nếp và các loại gạo đặc sản đơn thuần là hàng hoá xuất khẩu, không phải mặt hàng an ninh lương thực (gạo IR 50404) là những hàng hoá đặc thù và mang lại giá trị cao, phải xây dựng hàng chục năm mới có được một lượng khách hàng nhất định, nếu ngưng lại thì mất thị trường vào tay Thái Lan. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu bình thường. 
Dự kiến ngày mai (28/3), Thủ tướng sẽ có quyết định chính thức về việc tạm dừng hay cho xuất khẩu gạo trở lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần