Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểu đúng về tránh thai an toàn

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) nhằm giảm nguy cơ có thai ngoài ý muốn và bảo vệ sức khỏe của phụ nữ. Vậy nhưng, không ít chị em còn mơ hồ kiến thức về BPTT an toàn dẫn đến việc ngại sử dụng hoặc lạm dụng thuốc tránh thai.

Lạm dụng tránh thai khẩn cấp
Chỉ trong 10 ngày qua, 2 bé sơ sinh đã bị mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Không rõ nguyên nhân của sự việc, nhưng chắc chắn đó là hệ lụy từ việc mang thai ngoài ý muốn của những bà mẹ trẻ. Đây chỉ là một trong số rất ít những trường hợp trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện, khu công cộng, trước cổng chùa do mẹ mang thai ngoài ý muốn. Nếu không bị bỏ rơi lúc mới sinh, những đứa trẻ này đã được “xử lý” ngay từ khi mới hình thành. Theo thống kê của Bộ Y tế, có gần 40% phụ nữ mang thai ngoài ý muốn do tránh thai thất bại. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 250.000 – 300.000 ca nạo phá thai được báo cáo chính thức lên Bộ Y tế, con số thực có thể gấp nhiều lần. Thiếu hiểu biết về BPTT an toàn là nguyên nhân chính gây ra những nỗi đau này.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Hà Ngân

Khảo sát của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho thấy, tuổi quan hệ tình dục lần đầu của thanh niên Việt Nam ngày càng giảm. Trong đó, 30% gặp khó khăn khi tìm kiếm những thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và có tới 34% thanh niên trẻ chưa lập gia đình có nhu cầu tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Phó Chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, hiện vẫn còn nhiều phụ nữ “hàm oan” cho thuốc tránh thai sẽ gây vô sinh, đột quỵ, ung thư. Thậm chí, trong giới trẻ còn truyền nhau “kiến thức” sai lầm về quan hệ tình dục an toàn, cho rằng việc tắm vòi sen sau khi quan hệ có thể ngừa mang thai hay quan hệ trong thời kỳ kinh nguyệt là biện pháp phòng tránh thai hiệu quả.
Đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) còn lo ngại tình trạng lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Mặc dù theo khuyến cáo chỉ nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp 1 lần/tháng, tối đa 2 lần/tháng nhưng không ít bạn trẻ đã sử dụng nhiều lần trong tháng. Hậu quả của việc này dẫn đến rối loạn nội tiết tố, giảm khả năng tránh thai của thuốc. Như trường hợp của chị Lê Mai H. (Thanh Xuân, Hà Nội), sau khi đã có 2 con, chị thường xuyên lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, nhưng không ít lần chị phải tìm đến bác sĩ để “giải quyết” vì vẫn “dính” sau khi dùng thuốc. Mỗi lần như vậy, sức khỏe của chị lại giảm đi rõ rệt.
Chủ động tìm hiểu
Chia sẻ về vấn đề này, Thanh Mai - sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, ở phương Tây, các chương trình giáo dục giới tính, phổ cập kiến thức tránh thai chủ động và an toàn được thực hiện từ rất sớm khi trẻ bắt đầu vào tiểu học. Họ tự tin và chủ động sống thật với nhu cầu của bản thân, nhưng đồng thời cũng biết cách phòng tránh thai an toàn, đề cao nhu cầu cá nhân nhưng luôn quan tâm đến sức khỏe chính mình. Còn ở Việt Nam, dù có nhiều chương trình cộng đồng tuyên truyền và nâng cao kiến thức tránh thai an toàn, tập huấn cho cán bộ y tế kỹ năng tư vấn tránh thai cũng như các vấn đề sức khỏe sinh sản tại các trạm y tế phường xã nhưng những chương trình này chưa thực sự sâu sát và phổ cập rộng rãi đến giới trẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhấn mạnh, từng chị em trong độ tuổi sinh sản cần chủ động tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về các biện pháp ngừa thai hiện có, tư vấn với các bác sĩ, cán bộ y tế để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất cho mình. "Chị em có thể uống thuốc viên tránh thai kết hợp lâu dài. Khi muốn có con, chỉ cần ngưng thuốc, khả năng có thai sẽ trở lại. Ngoài ra, thuốc tránh thai hàng ngày nếu được sử dụng đều đặn có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ gây vô sinh do nhiễm trùng vùng chậu, u xơ tử cung, thai ngoài tử cung, nang buồng trứng. Thuốc còn giúp giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và lạc nội mạc tử cung" - bác sĩ Phượng lưu ý.