Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Chung tay góp sức
Đối với người dân xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 rất đặc biệt, bởi địa phương vừa được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Qua hơn 5 năm phấn đấu, Chương Dương đã về đích NTM với số điểm rất cao, 98/100 điểm. Ông Vũ Ngọc Anh – Bí thư Chi bộ thôn Chương Lộc, xã Chương Dương cho biết, khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình 02, xã chỉ đạt 1 tiêu chí, 7 tiêu chí cơ bản đạt, còn lại 11 tiêu chí chưa đạt. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ lại chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng NTM nên bước đầu gặp khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của người dân, xã đã hoàn thành mục tiêu trước thềm năm mới 2017. “Có được kết quả này là do sự ủng hộ, sẵn sàng đóng góp của người dân trên địa bàn” – ông Vũ Ngọc Anh chia sẻ.
Tại huyện Thanh Trì, đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện đã về đích NTM và hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM đang được T.Ư xem xét. Theo lãnh đạo địa phương, công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân có vai trò rất quan trọng vào kết quả trên. Ông Đặng Đức Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì dẫn chứng, huyện đang triển khai dự án cải tạo sông Om qua địa bàn 7 xã với chiều dài hơn 8km. Mặc dù có gần 450 công trình kiến trúc phải tháo dỡ nhưng nhờ sự tuyên truyền, vận động, tất cả các hộ dân đều tự nguyện dỡ bỏ, không phải cưỡng chế, xử lý vi phạm, trong đó có hơn chục công trình nhà 2 – 3 tầng.
Trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã trên địa bàn TP đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước, trường học, trạm y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu. Do vậy, hầu hết các tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đều tăng so với 2015. Trong đó có sự đóng góp lớn từ Nhân dân với khoảng 400 tỷ đồng. Ngoài ra, 7/12 quận như Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Tây Hồ cũng cam kết hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 70 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, chương trình xây dựng NTM đã thực sự lan tỏa và có sự tham gia chung tay góp sức của toàn xã hội.
Bài học cần phát huy
Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 22 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 38 triệu/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới còn 2,85%. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi nguồn lực không nhỏ. Theo ông Hà Minh Hải – Giám đốc Sở Tài chính, trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách gặp nhiều khó khăn, TP chỉ đạo vẫn ưu tiên bố trí nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, TP có cơ chế cắt lại 100% tiền đấu giá của các huyện, thị xã để phục vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng là các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng huy động nguồn lực đóng góp của Nhân dân và DN tham gia vào chương trình xây dựng NTM.
Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU giai đoạn 2016 – 2020 mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, kết quả đạt được trong xây dựng NTM, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong năm 2016 là một thành tích rất đáng phấn khởi. Trong đó có sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, sự nỗ lực, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ TP đến cơ sở đã tạo được đồng thuận trong xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp. Do đó, đây chính là bài học quan trọng cần tiếp tục phát huy trong năm 2017 để phấn đấu đưa chương trình xây dựng NTM về đích trước thời hạn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI đề ra.