Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả “mắt thần” từ quận Thanh Xuân

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị, vừa qua, Sở GTVT đã đề xuất lắp camera giám sát để “phạt nguội” những hành vi cố tình vi phạm.

Với nhiều người, đây là một đề xuất hay, đáng để suy ngẫm và triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, ở một số quận, đặc biệt là Thanh Xuân, mô hình này đã trở thành một “trợ thủ” đắc lực cho các lực lượng chức năng trong gần 2 năm qua.

Hạ nhiệt các điểm nóng

Đầu năm 2016, trong bối cảnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, VSMT… ngày càng có những diễn biến phức tạp, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã mạnh dạn chỉ đạo lắp đặt hàng trăm “mắt thần” tại các điểm nóng nhằm tăng cường khả năng giám sát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng. Tại thời điểm đó, không ít người tỏ ra hoài nghi với chủ trương này do lo ngại về khả năng kết nối, tính đồng bộ, hiệu quả của hệ thống. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, sự hoài nghi đó đã tan biến, thay vào đó là những kỳ vọng khi mô hình được nhân rộng. Đến thời điểm này, sau gần 2 năm triển khai, toàn quận đã có 12 hệ thống camera (11 tại các phường và 1 tại trụ sở Công an quận), cùng hơn 350 “mắt thần” được lắp đặt các khu vực phức tạp, các nút giao thông trọng điểm.

Công an phường Khương Đình giám sát tình hình an ninh trật tự, trật tự đô thị, VSMT qua camera. Ảnh: Vân Nhi

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Dũng – Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân, từ tháng 4/2016 – 11/2017, thông qua hệ thống camera giám sát, các lực lượng chức năng quận đã phát hiện 450 vụ việc. Trong đó, 61 vụ phạm pháp hình sự, 17 vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy, 141 vụ vi phạm trật tự đô thị, trật tự ATGT, 231 vụ vi phạm VSMT. Đặc biệt, thông qua hệ thống “mắt thần” các lực lượng chức năng đã phá được 20 vụ án, với 28 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng truy nã. Cũng theo Thượng tá Dũng, không chỉ giúp các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc, kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường phát sinh, sự xuất hiện của hệ thống camera giám sát đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người dân.

Phấn đấu phủ sóng “mắt thần”

Đề cập đến những kế hoạch trong thời gian sắp tới, Thượng tá Nguyễn Quốc Dũng cho biết, quận Thanh Xuân sẽ phối hợp xây dựng hệ thống camera giám sát ở các tổ dân phố, khu dân cư. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ vận động các hộ dân, hộ kinh doanh, các công ty có lắp camera giám sát tham gia phủ sóng “mắt thần” trên toàn địa bàn quận. “Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn quận có khoảng 3.000 hộ dân, DN có trang bị camera giám sát … Nếu vận động được chủ sở hữu cho sử dụng hình ảnh của số camera này trong công tác giám sát, giải quyết vụ việc thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn” – Thượng tá Dũng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát mà quận Thanh Xuân nói riêng và các địa phương khác đã và đang thực hiện là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi, khi có camera giám sát, các lực lượng chức năng sẽ kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc phát sinh. Bên cạnh đó, việc bố trí hệ thống camera giám sát sẽ tăng thêm niềm tin của Nhân dân vào chính quyền và chủ động hơn nữa trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, VSMT trên địa bàn. Thế nhưng, để xây dựng, duy trì hệ thống camera giám sát trên toàn địa bàn là điều không hề đơn giản, đặc biệt là nguồn kinh phí. Hiện nay, phần lớn những người phụ trách hệ thống camera tại các cơ sở chưa được đào tạo một cách bài bản nên việc khắc phục các sự cố phát sinh đôi khi còn khá chậm. Do đó, để có được một hệ thống camera đồng bộ, đảm bảo tính kết nối liên tục trong suốt quá trình hoạt động rất cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị có liên quan, trong đó cần chú trọng nâng cao năng lực người phụ trách.