Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ chăn nuôi bò chất lượng cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì là xã được TP Hà Nội chọn làm điểm triển khai dự án lai tạo đàn bò chất lượng cao (giống bò BBB) từ tháng 7/2012. Qua thực tế triển khai, hiệu quả của chăn nuôi bò BBB ngày càng khẳng định hướng đi đúng.

Chăn nuôi hiệu quả    

Gia đình ông Nguyễn Đình Chất, thôn Thái Bạt là một trong những hộ đầu tiên của xã Tòng Bạt được TP hỗ trợ giống bò BBB qua thụ tinh nhân tạo trên bò cái nền lai Sind. Theo ông Chất, bê F1 BBB khi đẻ ra có trọng lượng 28 - 30kg. Sau 4 tháng chăm sóc, bê đạt trọng lượng 160 - 170kg/con, giá bán 21 triệu đồng/con, cao hơn bò lai Sind 5 triệu đồng. Nhiều hộ dân khác trong xã Tòng Bạt như ông Phạm Văn Tương (thôn Thái Bạt), ông Khương Văn Táy (thôn Tòng Thái) cũng thu được thành công ban đầu khi bê lai F1 BBB ra đời phát triển khỏe mạnh, giá bán cao. Ông Đỗ Văn Xuất - cán bộ khuyến nông xã Tòng Bạt cho biết, chương trình cải tạo giống bò từ thụ tinh nhân tạo, xã đã tuyển chọn 800 bò cái nền để lai giống bò ngoại BBB. Hầu hết số bò cái nền là những con bò bắt đầu đẻ từ lứa thứ hai đến lứa thứ năm. Hiện nay, toàn xã Tòng Bạt có khoảng 600 bò lai F1 BBB được sinh ra. Giống bò này có trọng lượng nặng hơn bò lai Sind cũ, vì vậy thu nhập của người nông dân cũng được nâng lên.
Điều quan trọng trong chăn nuôi bò BBB là các hộ đã tận dụng được rơm, cây ngô và các phụ phẩm trong nông nghiệp. Nếu như trước đây, nhiều hộ gia đình còn đốt rơm hoặc cây ngô phơi khô thì nay đã tận dụng vào việc chăn nuôi bò. Thêm vào đó, nhờ được tập huấn, các hộ chăn nuôi bò BBB trong dự án cũng đã có sự hiểu biết hơn về việc chăm sóc bò có chửa, sau sinh và bê con nên yên tâm với việc chăn nuôi bò của gia đình mình. Hiện, xã Tòng Bạt đã tuyển lựa được 1.200 con bò cái nền làm cơ sở để nhân rộng việc lai tạo bò BBB, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho đàn bò trên địa bàn.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo ông Xuất, xã Tòng Bạt phấn đấu từ nay đến năm 2020 tuyển chọn được khoảng 1.500 con bò cái nền. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi bò BBB vẫn còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ, trước hết là diện tích trồng cỏ. Với số lượng bò khoảng 2.000 con thì xã cần từ 20 - 30ha diện tích trồng cỏ, nhưng toàn xã giờ chỉ có khoảng 10ha. Bên cạnh đó, hiện nay, do kinh tế còn khó khăn nên nhiều hộ chăn nuôi trong dự án không đủ lực chăn nuôi tiếp, phải bán bê F1 BBB non khi mới được 4 tháng. Trong khi đó, theo chỉ tiêu, bò BBB phải đạt 10 tháng tuổi mới cho chất lượng thịt thơm ngon nhất, đồng thời trọng lượng bò cũng tăng 100 - 150kg. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi đề nghị các cấp chính quyền TP có cơ chế hỗ trợ về thức ăn chăn nuôi để phát triển đàn bò.

Một khó khăn nữa là số lượng bò BBB đẻ ra trên địa bàn xã Tòng Bạt chủ yếu là bò đực dẫn tới việc duy trì và phát triển bò cái nền là một thách thức không nhỏ. Ngoài ra, nguồn nhân lực về thụ tinh nhân tạo bò BBB vẫn còn hạn chế. Toàn xã hiện mới có 2 dẫn tinh viên là ông Xuất và Lương Ngọc Anh, song phải thực hiện việc thụ tinh cho khoảng 1.200 bò cái nền. Thêm vào đó, chế độ thù lao cho dẫn tinh viên còn thấp, hiện khoảng 100.000 đồng/ca nên chưa thu hút được dẫn tinh viên yên tâm làm nghề.

Rõ ràng, mô hình chăn nuôi bò BBB đang khẳng định là một hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên đất Tòng Bạt. Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng mô hình, người nông dân vẫn đang rất cần sự tiếp sức kịp thời và hiệu quả của các cấp chính quyền TP.