Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ “Một cửa” tại huyện Gia Lâm

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhằm tạo bước chuyển mạnh về ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC), gần đây, UBND huyện Gia Lâm thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban và 22 xã, thị trấn chú trọng công khai, minh bạch trong hoạt động theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ”.

Tăng kiểm tra, giám sát việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), đi liền với nâng cao chất lượng bộ phận một cửa (BPMC).
Điều đó đã góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn, tăng sự hài lòng của người dân, DN, đưa Gia Lâm trở thành một “điểm sáng” về cải cách hành chính (CCHC) của TP.
99,9% hồ sơ được giải quyết đúng hạn
Ngay đầu năm 2016, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì đánh giá các TTHC đang được thực hiện, rà soát nhằm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ những TTHC không cần thiết, không hợp lý. Qua đó, cấp huyện đã giảm được 5 TTHC lĩnh vực văn hóa - thông tin; cấp xã giảm 11 TTHC về tài chính, văn hóa, quản lý đô thị và đơn giản hóa 3 TTHC về tư pháp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo các đơn vị tích cực đưa những TTHC đang được tiếp nhận tại phòng, ban chuyên môn ra tiếp nhận tại BPMC. Đến cuối năm 2016, thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện có tổng cộng 276 TTHC, trong đó 100% đã được tiếp nhận tại BPMC, với 24 TTHC được xây dựng quy trình giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MCLT); 12 TTHC được tiếp nhận, giải quyết đạt mức độ 3, còn lại đạt mức 2 về dịch vụ công trực tuyến.

Hướng dẫn người dân làm TTHC tại bộ phận một cửa thị trấn Trâu Quỳ. Ảnh:  Thùy Linh

Tại các xã, thị trấn có 169 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó 100% cũng được tiếp nhận và trả kết quả qua BPMC. Hiện, 22 xã, thị trấn đang triển khai hiệu quả 7 dịch vụ công trực tuyến về tư pháp - hộ tịch. Đại diện Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm cho biết: Trong các TTHC liên thông đều quy định quy trình thực hiện, phân rõ thời gian cho từng cơ quan giải quyết, nếu nơi nào xảy ra chậm trả kết quả hồ sơ, cán bộ ở đó phải nghiêm túc viết thư xin lỗi công dân. Ngoài ra, BPMC huyện và 10 xã, thị trấn (là những nơi đông dân) vẫn duy trì làm việc sáng thứ Bảy.
Vượt qua nhiều khó khăn trong CCHC, năm qua, tại cấp huyện đã giải quyết được 8.494 hồ sơ hành chính, với tỷ lệ đúng hạn 98,74%. Đặc biệt tại cấp xã đã giải quyết 122.888 hồ sơ hành chính, trong đó đúng hạn đạt tới 99,93%. Từ xã đến huyện đều không để xảy ra bất kỳ khiếu nại, tố cáo nào về giải quyết TTHC.
Phấn đấu 100% thủ tục được đơn giản hóa
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân khi đến giao dịch hành chính, UBND huyện đã đề ra mục tiêu năm nay, 100% TTHC của huyện liên quan đến cá nhân, tổ chức phải được kiểm soát, thực hiện theo hướng đơn giản, gọn nhẹ; 100% TTHC thuộc thẩm quyền của huyện, xã, thị trấn được niêm yết công khai và duy trì áp dụng TCVN ISO 9001:2008. Để gia tăng sự hài lòng của người dân khi đến giải quyết TTHC, nhất là trong các lĩnh vực “nóng” như đất đai, xây dựng…, huyện luôn xác định con người là yếu tố quyết định. Bởi vậy, trong kế hoạch đào tạo bồi dưỡng năm 2017, đã yêu cầu các phòng, ban chức năng đặc biệt quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng về CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin cho CB, CC phụ trách CCHC hoặc trực tiếp làm tại BPMC huyện, xã, thị trấn.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, lãnh đạo UBND huyện nhấn mạnh, tại một số đơn vị cần khắc phục ngay tình trạng chưa “rõ người, rõ việc” trong chỉ đạo, điều hành; chưa công khai danh mục và xây dựng quy trình giải quyết TTHC. Đặc biệt, một số xã như Cổ Bi, Lệ Chi… chậm triển khai Quyết định 07 của TP về cơ chế một cửa, MCLT, chưa chú trọng tự kiểm tra công vụ và chậm khắc phục sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra công vụ; CB, CC còn thiếu ý thức trách nhiệm trong phục vụ Nhân dân.