Theo Ban Tổ chức Trung ương, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn và nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác cán bộ, nhiều địa phương đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã từ rất sớm.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiều địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn việc “nhất thể hóa” hai chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch Ủy ban Nhân dân ở một số xã, phường, thị trấn (tỉnh Quảng Ninh thực hiện thí điểm 10 phường; tỉnh Nghệ An thí điểm 5 xã…).
Khi có Thông báo số 223-TB/TW, ngày 24/2/2009 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW ngày 6/3/2009 của Ban Tổ chức Trung ương, hầu hết các tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung; xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo và lựa chọn một số địa phương có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm theo tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Đa số các địa phương triển khai thực hiện thí điểm từ tháng 4/2009.
Ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh), có 16 quận, huyện (4 quận, 12 huyện) thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân.
Trong số 16 bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, có 10 người là bí thư cấp ủy đương chức (chiếm 62,5%) được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Nhân dân; 6 người là phó bí thư cấp ủy, chủ tịch Ủy ban Nhân dân đương chức được bầu làm bí thư cấp ủy để giữ chức bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân. 16 người trên đều có độ tuổi trên 40, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên, trình độ lý luận cao cấp hoặc cử nhân.
63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 638 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân (417 xã, 167 phường, 54 thị trấn), chiếm 5,7% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Trong tổng số 638 bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn có 217 người là bí thư đương chức (chiếm 34,01%); 282 đồng chí là phó bí thư, chủ tịch Ủy ban Nhân dân đương chức (chiếm 44,2%); 11 người là phó bí thư đương chức (chiếm 1,72%); 19 người là phó chủ tịch UBND đương chức được bầu (chiếm 2,97%); 44 người được điều động, luân chuyển từ nơi khác đến (chiếm 6,9%) và 11 đồng chí thuộc các chức danh khác được bầu (chiếm 1,72%).
Về trình độ chuyên môn, 9 người có trình độ trên đại học (chiếm 1,41%); 449 người có trình độ đại học (chiếm 70,37%); 10 người có trình độ cao đẳng (chiếm 1,56%); 108 người có trình độ trung cấp (chiếm 16,92%); 18 người có trình độ sơ cấp (chiếm 2,82%) và 44 người chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ (chiếm 6,9%).
Về trình độ lý luận chính trị, 254 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương (chiếm 39,81%); 357 người có trình độ trung cấp (chiếm 55,95%); 9 người có trình độ lý luận chính trị sơ cấp (chiếm 1,41%); 18 người chưa qua đào tạo về lý luận chính trị (chiếm 2,82%).
Về độ tuổi, giới tính, dân tộc, 452 người trên 40 tuổi (chiếm 70,84%); 186 người dưới 40 tuổi (chiếm 29,15%); 37 người là nữ (chiếm 5,8%); 75 người là người dân tộc thiểu số (chiếm 11,75%).
Kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho thấy đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy cấp trên vừa là người trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Nhân dân, ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương.
Vì vậy, các nhiệm vụ chính trị được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của Ủy ban Nhân dân.
Vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và Ủy ban Nhân dân tập trung vào một người, do vậy tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi công việc, thông tin đến cấp ủy là đến Ủy ban Nhân dân, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch Ủy ban Nhân dân.
Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, giúp cấp ủy trực tiếp nhận thông tin về việc điều hành của Ủy ban Nhân dân được chính xác, kịp thời, tạo điều kiện tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác, từng bước khắc phục hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa cán bộ khối UBND với cán bộ khối đảng, đoàn thể; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp phó.
Chủ trương này giúp cán bộ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể; bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế, tiết kiệm được một phần ngân sách, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tại các địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn giữ được ổn định, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, các phong trào trước đây vẫn được giữ vững, trong đó có một số mặt chuyển biến và tiến bộ, nội bộ đoàn kết và thống nhất hơn trước.
Chủ trương thí điểm này đã đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, công tác cán bộ trong tình hình mới và nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự chỉ đạo tập trung, sâu sát của các cấp ủy đảng ở những địa phương thực hiện thí điểm, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Việc lựa chọn địa phương để thực hiện thí điểm và bố trí nhân sự được chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm yêu cầu.
Những địa phương được lựa chọn thí điểm đa số là những nơi có kinh kế-xã hội tương đối phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất và có phong trào khá.
Các bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân hầu hết đã kinh qua các chức danh bí thư hoặc chủ tịch Ủy ban Nhân dân nên nắm chắc tình hình địa phương, tiếp cận công việc nhanh; có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, gương mẫu, tận tụy với công việc; tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số cấp ủy và cán bộ chủ chốt ở các cấp chưa nhận thức sâu sắc chủ trương thực hiện thí điểm nên trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chậm và thiếu kiên quyết. Năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở nhìn chung còn hạn chế so với yêu cầu; nguồn cán bộ có khả năng đảm nhiệm được nhiệm vụ của hai chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân ở cấp xã không nhiều, chưa có quy hoạch cán bộ đồng thời giữ hai chức danh, vì vậy việc lựa chọn cán bộ vào vị trí này gặp khó khăn.
Một số xã, phường, thị trấn sau khi thực hiện thí điểm, cán bộ không hoàn thành được nhiệm vụ, tín nhiệm thấp buộc phải báo cáo cấp trên xin dừng thí điểm.
Một số nơi thực hiện thí điểm chủ trương nhưng chưa kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân một cách đồng bộ nên quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều đồng chí còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai bí thư” với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai chủ tịch” Ủy ban Nhân dân với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Người bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban Nhân dân thường phải giải quyết nhiều công việc cụ thể của chính quyền; phải tham gia nhiều cuộc họp do cấp ủy, Ủy ban Nhân dân cấp trên triệu tập, do vậy, thời gian chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện còn ít, dẫn đến có nơi xảy ra tình trạng quan liêu, bỏ sót việc, ảnh hưởng đến vai trò, chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.
Một vài nơi, xảy ra tình trạng những việc quan trọng của địa phương không được đưa ra cấp ủy bàn bạc thấu đáo mà đã tổ chức thực hiện nên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Khi không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, việc giám sát của Hội đồng Nhân dân cấp trên đối với hoạt động của Ủy ban Nhân dân nơi thực hiện thí điểm không thường xuyên, liên tục, không trực tiếp; trong khi đó việc giám sát của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị lại chưa có quy chế cụ thể để thực hiện nên công tác giám sát còn nhiều hạn chế.
Ở những nơi có tổ chức Hội đồng Nhân dân khi thực hiện chủ trương này thì việc giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với Ủy ban Nhân dân sẽ bị hạn chế vì người đứng đầu Ủy ban Nhân dân lại là người đứng đầu cấp ủy, trong khi đó chủ tịch Hội đồng Nhân dân là phó bí thư cấp ủy.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp xã hiện nay được quy định khá rộng, chưa phù hợp với thực tế và khả năng tổ chức thực hiện; công tác cải cách hành chính còn nhiều mặt hạn chế. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ khi thực hiện chủ trương này, chưa có cơ chế để giám sát và kiểm soát quyền lực, vì vậy dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền và vi phạm nguyên tắc trong lãnh đạo, điều hành công việc.
Một số cấp ủy chưa nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương thí điểm, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa thực hiện quyết liệt, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc năng lực, trách nhiệm còn hạn chế, chưa chuyển biến đồng bộ với mô hình “nhất thể hóa” cán bộ chủ chốt. Chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, chính sách, chế độ đãi ngộ còn thấp, bất cập chưa động viên, khuyến khích cán bộ.