Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình thành cuộc chiến mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong vài ngày qua, những thông tin dồn dập về các thương vụ mua bán, sáp nhập các công ty năng lượng lớn của Trung Quốc, Malaysia, Nga, Anh, Canada... cho thấy thị trường năng lượng toàn cầu đang trở nên sôi động chưa từng có.

 Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã dự báo thị trường năng lượng toàn cầu ngày càng được mở rộng do nhu cầu khí đốt sẽ tiếp tục tăng gần 3%, tương đương với 100 tỷ m3/năm. Với tầm nhìn chiến lược, hầu hết các "đại gia" trong ngành năng lượng thế giới đều nhanh chân tìm kiếm cho mình một giải pháp để chiếm lĩnh và gia tăng thị phần. Hiện, tin tức về việc Chính phủ Canada tạm dừng thương vụ mua lại Công ty Năng lượng Progress của Công ty Dầu khí quốc gia Petronas (Malaysia) trị giá 5,2 tỷ USD khiến các nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại tham vọng chinh phục các thị trường tiềm năng sẽ "xôi hỏng bỏng không". Trước đó, việc Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đề nghị mua lại Công ty Nexen, công ty đang có hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Canada, vịnh Mexico của Mỹ và biển Bắc với giá 15,1 tỷ USD đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ chính giới Cananda. Nếu vụ thâu tóm được thực hiện thành công, dự án này sẽ làm tăng hơn nữa nguồn cung dầu mỏ cho chính Trung Quốc, quốc gia đang "khát" dầu mỏ nhất hiện nay và tăng thị phần tại khu vực Bắc Mỹ.
 
Hình thành cuộc chiến mới - Ảnh 1
Thương vụ CNOOC thâu tóm Nexen thu hút sự quan tâm đặc biệt từ chính giới Canada.

Theo các tin tức mới nhất, giao dịch mà các nhà kinh tế toàn cầu gọi là "hợp đồng Mega" của năm trị giá từ 18 - 20 tỷ USD sắp hoàn tất khi Tập đoàn Năng lượng BP (Anh) đã nhất trí sẽ bán 50% cổ phần của mình trong liên doanh TNK - BP và nhận gần 13% của Rosneft (Nga). Thương vụ đạt được những thỏa thuận nhanh chóng về mặt nguyên tắc do đáp ứng được yêu cầu hai bên cùng có lợi khi BP có thêm lượng tiền mặt khổng lồ giúp giảm bớt gánh nặng kinh phí sau bê bối tràn dầu trên Vịnh Mexico. Còn Rosneft, ngoài các tài sản vật chất thuần túy, tập đoàn này sẽ được tiếp nhận một hệ thống quản lý có hiệu quả khi TNK - BP, công ty dầu mỏ lớn thứ ba của Nga luôn được đánh giá vượt trội về bộ máy điều hành.

Dù thương vụ CNOOC thâu tóm Công ty Nexen, hay Petronas đề nghị mua lại Progress và việc Rosneft mua cổ phần của TNK thuộc Tập đoàn BP vẫn chưa ngã ngũ nhưng bóng dáng của một cuộc chiến giành thị phần tại các thị trường phi truyền thống của những công ty năng lượng đến từ Trung Quốc, Nga, Malaysia... đã hình thành. Và cuộc chiến một mất một còn này rất có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy khi các quốc gia sở tại để các doanh nghiệp nước ngoài thao túng thị trường năng lượng trong nước.