Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hình thành thói quen tin dùng hàng nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt Nam tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống 2014. Ảnh: Chiến Công

Hàng Việt đã khẳng định vị thế trên thị trường, đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được tổ chức cuối tuần qua.

Người dân tin dùng, doanh nghiệp nỗ lực

Sau 5 năm thực hiện CVĐ, người tiêu dùng (NTD) đã thay đổi hành vi mua sắm theo hướng ưu tiên tiêu thụ hàng nội địa thay cho  hàng ngoại. Kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tổ chức T.Ư) vừa thực hiện cho thấy, hiện có 63% NTD xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam (tăng 4% so với năm 2010) và 92% NTD khi được hỏi đều có chung câu trả lời là rất quan tâm đến CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ông Đào Văn Bình - Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cho biết: CVĐ không chỉ làm thay đổi hành vi mua sắm của NTD mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm, qua đó chiếm lĩnh thị phần. Kết quả khảo sát do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thực hiện cho thấy: Sau 5 năm thực hiện CVĐ, sự tin tưởng của NTD đối với hàng Việt có chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2011 chỉ có 28,8% NTD tin tưởng hàng Việt, năm 2013 đã lên đến 47%; Sự sẵn sàng lựa chọn sử dụng hàng sản xuất tại Việt Nam có chiều hướng tăng đáng kể tới 47,6% (năm 2013) so với 16,5% (năm 2011). Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng mang biển hiệu "Made in Việt Nam" cho thấy nhu cầu dùng hàng Việt đang thực sự rất lớn.

 
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt Nam tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống 2014. Ảnh: Chiến Công
Kinhtedothi - Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt Nam tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống 2014. Ảnh: Chiến Công
Sức mua hàng Việt tăng cao đã tạo điều kiện cho các DN trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa. Thực tế hoạt động bán lẻ trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, hàng hóa kinh doanh tại phần lớn các siêu thị trên địa bàn TP như: Big C, hệ thống siêu thị Saigon Coop Mart chiếm từ 90 - 95% là hàng Việt... Đặc biệt, tại các cửa hàng tham gia chương trình bình ổn giá có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Trong khi tại khu vực nông thôn, có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, hàng Việt  chiếm 90%.  Một số mặt hàng có thị phần lớn phải kể đến là dầu tinh luyện của Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam chiếm 87%; sản phẩm sữa đặc có đường của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là 75%, sữa chua là 90%; thị phần của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với sản phẩm săm lốp xe đạp là 58%; sản phẩm nhựa gia dụng sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 90% thị phần…

Còn nhiều thách thức

Mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin của NTD, tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chưa nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương; lực lượng chức năng chưa làm tốt việc chống hàng giả, hàng nhái khiến tiêu thụ, quảng bá hàng Việt gặp nhiều khó khăn nên DN chưa thể mở rộng sản xuất. Nhưng cũng cần phải nói, còn không ít DN chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm. Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới thực trạng này xuất phát từ việc  nhiều DN vẫn mang nặng tư tưởng "bao cấp", chạy theo cơ chế "xin - cho", bên cạnh đó sự liên kết giữa các DN trong cùng lĩnh vực cũng như giữa đơn vị sản xuất và nhà phân phối chưa chặt chẽ.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, tiêu thụ hàng Việt, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, các đơn vị tham gia cần triển khai nhiều hoạt động nhằm vào từng đối tượng cụ thể. Qua đó, thực hiện mục tiêu hết năm 2015, thị phần hàng Việt có thế mạnh ở các kênh phân phối truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa đạt 70%; đến năm 2020 đạt 80%; ở tất cả các địa phương triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững... Đặc biệt, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cần được gắn liền với hoạt động truyền thông, quảng bá, phát triển hệ thống phân phối.

Tuy nhiên để làm được điều này, Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa về vốn, công nghệ và cơ chế hoạt động, vì đây là lực lượng DN chính, chiếm đến hơn 90% số lượng DN trên cả nước. Bên cạnh đó, các DN cũng phải đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm, dần chiếm lĩnh lòng tin của NTD.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Mục tiêu đến năm 2020, có 100% NTD và DN biết đến CVĐ, 100% các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông "Tự hào hàng Việt".