Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hộ cá thể và kinh doanh thương mại điện tử: Lách luật, trốn thuế tràn lan

Hà Lâm - Linh Thùy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc nhiều cá nhân thu nhập cao, các hộ kinh doanh cá thể doanh thu “khủng” nhưng không đóng một đồng thuế nào hoặc đóng thuế khiêm tốn đã khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hiện nay, việc tìm các giải pháp chống thất thu thuế ở các khu vực này trở nên cực kỳ cần thiết.

Bài 1: Trốn xuất hóa đơn đỏ, lập lờ doanh thu

 Thực tế hiện nay, thuế khoán là khoản thuế trực thu quan trọng trong cơ cấu ngân sách Nhà nước bởi số lượng hộ kinh doanh cá thể ngày càng lớn, nhất là ở các đô thị trọng điểm như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, tại các cửa hàng kinh doanh cá thể, hầu hết người mua hàng được nhận hoá đơn VAT khi giao dịch. Chỉ khi yêu cầu, các hộ này mới hẹn ngày gửi hóa đơn về địa chỉ khách hàng sau. Thậm chí, nhiều cửa hàng, spa, phòng khám… doanh thu lớn nhưng tìm nhiều cách để từ chối hoặc trả lời thẳng về việc không xuất hóa đơn VAT.
 Nhiều cửa hàng quần áo thời trang trên phố Thái Hà không có hóa đơn đỏ cho khách hàng. Ảnh  Hải Linh
Lập lờ doanh thu

Tại nhà hàng Mạnh Hoạch - Gà 69 (69 Lê Trọng Tấn - Hà Đông - Hà Nội), trưa nào cũng tấp nập khách. Với 3 tầng nhà hàng, hàng trăm lượt khách, mỗi ngày, doanh thu nhà hàng này lên đến hàng chục triệu đồng. Điều đáng nói là gần như đa số các khách hàng vào nhà hàng này đều không lấy hóa đơn đỏ. Chị Trần Ngọc cho biết, ngày 12/10/2018, khi chị ngỏ ý lấy hóa đơn, người thanh toán nhà hàng này trả lời là: Nhà hàng đang tạm thời hết hóa đơn và cũng không hẹn ngày cụ thể hay yêu cầu để lại thông tin khách hàng để quán ăn này gửi lại sau.

Nhà hàng Hùng Thái - Đặc sản bún chả Hàng Mành, nem cua bể gia truyền tại địa chỉ 107 - B1 tập thể Thành Công là một trong những địa chỉ ăn uống nổi tiếng với lượng khách hàng cực "khủng". Trung bình mỗi suất ăn có giá 45.000 đồng. Quán ăn có sức chứa gần 50 bàn (mỗi bàn 4 khách). Chỉ tính riêng buổi trưa các ngày trong tuần, quán này phục vụ khoảng 500 - 600 lượt khách. Ước tính, doanh thu theo tính toán trên đầu khách hàng có thể lên tới ít nhất 25 triệu đồng/ngày. Khi phóng viên ngỏ ý lấy hóa đơn nếu đặt số lượng lớn, nhân viên cửa hàng này trả lời, cửa hàng chỉ có hóa đơn bán hàng chứ không có hóa đơn đỏ.

Tại Phòng khám 35 Vạn Bảo, lượng người đến siêu âm và khám phụ khoa lúc nào cũng nườm nượp dù phòng khám này chỉ mở cửa từ sau 5 chiều. Với mỗi lượt khám thấp nhất là 300.000 đồng/người, chưa kể tiền thuốc, chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ, doanh thu phòng khám này ít nhất phải đạt 30 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, khi hỏi về việc có xuất hóa đơn để về làm thủ tục bảo hiểm ở công ty không thì nhân viên ở đây trả lời, chỉ có phiếu tính tiền có tên phòng khám mà thôi.

Tương tự, cả dãy phố thời trang trên đường Thái Hà, khi được hỏi, nhiều cửa hàng quần áo đều trả lời là “cửa hàng chưa bao giờ xuất hóa đơn đỏ”. Cụ thể, tại ConnectShop (342 Thái Hà - Đống Đa - Hà Nội), May Boutique (268 Thái Hà - Đống Đa - Hà Nội), khi khách hàng ngỏ ý muốn lấy hóa đơn đỏ đều bị từ chối.

Nguy cơ gian lận thuế 2 lần

Theo quy định, với mỗi hóa đơn trên 200.000 đồng, cơ sở kinh doanh phải thực hiện xuất hóa đơn VAT cho khách hàng nhưng thực tế cho thấy, các cửa hàng hiếm khi “tự giác” xuất hóa đơn. Chỉ khi khách hàng có yêu cầu các cơ sở này mới thực hiện. Mặt khác, chính khách hàng sử dụng dịch vụ hiện nay cũng chưa có ý thức với việc nhận hóa đơn dịch vụ.

Có thể thấy, việc các hộ kinh doanh không “tự giác” cung cấp hóa đơn cho khách hàng khiến công tác xác định doanh thu để xác định mức thuế khoán gặp khá nhiều khó khăn. Ngoài ra, các khách hàng chưa có thói quen yêu cầu xuất hóa đơn đỏ mỗi lần mua hàng cũng là “kẽ hở” dẫn đến nhiều hộ kinh doanh có thể trốn thuế.

Hóa đơn là căn cứ, chứng từ rất quan trọng để giúp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh làm cơ sở hạch toán kế toán và kê khai nộp thuế. Theo quy định, tất cả các trường hợp bán hàng đều phải xuất hóa đơn, kể cả trường hợp cho, bán, tặng hàng hóa, trả lương, trả thưởng bằng sản phẩm cũng phải xuất hóa đơn. Tuy nhiên, nhiều người dân khi đi ăn uống, đi mua đồ dùng thường xem việc xuất hóa đơn rất phức tạp, mất thời gian và không cần thiết. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng không hề hay biết quy định về tính thuế, nên mặc cho người bán muốn tính thế nào tùy thích. Có người biết nhưng cũng đành bỏ qua vì nếu lấy hóa đơn về cũng chẳng biết sử dụng vào mục đích gì, dù mã số thuế cá nhân đã được áp dụng. Chính vì vậy, nhiều cửa hàng đã lợi dụng kẽ hở này để mặc sức tính thêm thuế VAT. Cuối cùng, người tiêu dùng chịu thiệt thòi vì bị tính thuế VAT 2 lần.

Theo kế toán của một số DN, việc cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn cho khách hàng không những có dấu hiệu trốn thuế mà còn có nguy cơ gian lận hóa đơn 2 lần. Đó là việc nhiều đơn vị cố tình không xuất hóa đơn cho khách hàng để mua bán hóa đơn.

(Còn nữa)

Về khai thuế, nộp thuế, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Đối với cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì các loại thuế, phí cá nhân kinh doanh phải nộp gồm lệ phí môn bài, thuế GTGT, TNCN, tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (nếu có). Với thuế GTGT và thuế TNCN, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Căn cứ tính thuế GTGT và thuế TNCN cụ thể như sau: Số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x tỷ lệ (%) thuế GTGT. Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ (%) thuế TNCN theo quy định. Cá nhân nộp thuế khoán khai thuế khoán một năm một lần chậm nhất là ngày 15/12 của năm trước.