Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ các hợp tác xã để phát triển chăn nuôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ các hộ chăn nuôi trước sức ép của cơ chế thị trường, song hiện nay, rất nhiều các hợp tác xã (HTX) chăn nuôi đang gặp khó khăn trong hoạt động và chưa tìm được chỗ đứng.

Muôn vàn khó khăn

HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, thị xã Sơn Tây là một trong những HTX ra đời sớm và phát triển mạnh nhất trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, HTX có 350 hội viên với trên 550 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và hàng trăm trang trại chăn nuôi bán công nghiệp, quy mô nhỏ và vừa. Tổng đàn lợn của HTX khoảng 175.000 con/lứa, đàn gà từ 950.000 - 1.000.000 con/lứa, cho lợi nhuận trên 80 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trong hoạt động của HTX hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn như đất đai xây dựng trang trại, trụ sở văn phòng, khu chế biến, giết mổ, kho bãi chưa được quy hoạch... Phần lớn mặt bằng sản xuất do xã viên tự đi thuê với giá cao, thời hạn ngắn, không đảm bảo để đầu tư lớn. Bên cạnh đó, chăn nuôi trong HTX chủ yếu còn tự phát, phân tán, khó quản lý và kiểm soát dịch bệnh dẫn tới hiệu quả chưa cao. Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông phàn nàn, có tới 60% hộ chăn nuôi gia công cho công ty nước ngoài, phân chia lợi nhuận chưa công bằng nên người dân thường phải chịu thiệt. Thêm vào đó, việc đầu tư chi phí xử lý môi trường còn cao, quá khả năng đối với các chủ trang trại. Nhiều trang trại gặp khó về nguồn đầu tư sản xuất, nhất là tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Chăn nuôi thỏ tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. 	Ảnh: Quang Thiện
Chăn nuôi thỏ tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Quang Thiện
Trăn trở của ông Chiến cũng là tâm tư của đại diện rất nhiều HTX chăn nuôi khác. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có hơn 9.700 HTX nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Vấn đề phát triển HTX chăn nuôi đã được Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương quan tâm, tạo điều kiện trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn không ít HTX phải giải thể hoặc không có doanh thu do thiếu phương án sản xuất, kinh doanh, năng lực quản lý. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh và qua nhiều khâu trung gian dẫn tới người sản xuất thường xuyên bị ép giá.

Tháo gỡ những nút thắt
Cục Chăn nuôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định về HTX nông nghiệp, trong đó có HTX, tổ hợp tác chăn nuôi. Đồng thời cho phép đề xuất chính sách phát triển HTX liên kết theo chuỗi.
Trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay, vai trò của các HTX càng trở nên quan trọng, nhất là tập hợp, liên kết nông dân cùng sản xuất theo chuỗi giá trị. Để phát triển các HTX chăn nuôi một cách bền vững, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), Nhà nước cần có chính sách đặc thù như hỗ trợ lãi suất xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng bằng trang trại... Đồng thời tạo điều kiện về quỹ đất cho các HTX xây dựng cơ sở chế biến, dịch vụ, trạm cấp tinh giống...

Đại diện nhiều HTX cũng cho rằng, cần phải có chính sách đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ATTP và truy xuất được nguồn gốc. Có như vậy mới tạo điều kiện cho chăn nuôi ổn định, hiệu quả và tăng vai trò của HTX trong kết nối các hộ xã viên. Ngoài ra, Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất thức ăn, con giống, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, góp phần bảo vệ các HTX làm ăn chân chính.

Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, các HTX chăn nuôi tổ chức được dịch vụ kinh doanh thì không những giá rẻ mà chất lượng vật tư cũng được đảm bảo. Đặc biệt, dịch vụ chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp tạo sự gắn bó bền vững giữa các xã viên và mang lại lợi nhuận cho HTX. Do đó, để phát triển mạnh mẽ HTX chăn nuôi, các địa phương cần đánh giá mô hình HTX đang triển khai, rà soát lại quy mô, phương thức hoạt động cho phù hợp và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Trong đó, xác định rõ chủ thể của HTX, khả năng đóng góp nguồn lực như vốn, cổ phần, nhân sự, thiết bị... theo đúng Luật HTX.