Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ doanh nghiệp cần đi vào thực chất

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mất đơn hàng, thị trường bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu… là những khó khăn đang bủa vây hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp “dễ thở” hơn, rất cần thêm trợ lực.

Khó khăn bủa vây

Vừa hồi phục sau dịch, từ cuối 2022 đến nay, doanh nghiệp lại chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ cuộc khủng hoảng suy giảm tiêu dùng toàn cầu, dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, đơn hàng giảm, hàng tồn kho tăng. Trước tình hình đó, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Đến nay, dấu hiệu hồi phục vẫn chưa rõ nét. Ngoài những khó khăn do tác động của sự bất ổn trên thế giới, doanh nghiệp còn vướng những trở ngại từ cơ chế, chính sách.

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển.

Chia sẻ khó khăn thực tế từ doanh nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe chia sẻ, vốn, tín dụng, lãi suất vay đã đang là áp lực lớn với các doanh nghiệp. Sau nhiều điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước trong 2 tháng qua, lãi suất đã giảm và hạ nhiệt một phần, nhưng vì bối cảnh xuất khẩu còn chậm nên theo các doanh nghiệp thì mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn là quan tâm hàng đầu của họ. 

"Đối với doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu, nên thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và thậm chí đến 4,5%, và tới quý II/2023 đa phần đang ở mức cao 4,1 - 4,9%, có những doanh nghiệp 5%” – ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, Dệt may là ngành có lưu lượng xuất, nhập khẩu (XNK) rất lớn, ví dụ năm 2022 nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn bông, XNK trên 2,6 triệu tấn xơ, sợi (XK trên 1,57 triệu tấn, NK gần 1,05 triệu tấn) và hàng trăm ngàn container hàng may mặc, nguyên phụ liệu. Vì thế các thủ tục XNK tại cửa khẩu, kiểm tra sau thông quan, kiểm tra chuyên ngành… có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhất là nhiều chính sách về thuế, phí chưa hợp lý cũng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc hình thành các chuỗi cung ứng trong nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, sử dụng bán thành phẩm của nhau để sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế VAT 10%, sau khi xuất khẩu xong mới làm thủ tục hoàn thuế. Việc này khiến các doanh nghiệp phải vay ngân hàng và chờ thủ tục hoàn thuế rất lâu và phiền phức. Nhiều doanh nghiệp vì thế chỉ lựa chọn hình thức gia công.

Để tiếp sức doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó tiếp cận. Chánh văn phòng, Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực TP Hà Nội An Thanh Thảo cho biết, việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.

Hỗ trợ cần đi vào thực chất

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm hơn so với mong muốn, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng chính sách hỗ trợ cần đồng bộ ở các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nêu quan điểm, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thiết thực hiện cải cách thể chế, giảm gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ. “Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đề xuất, trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần được tạo thuận lợi được tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ. Các cơ quan Nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ) thuận lợi trong tiếp cận thông tin. Cùng với đó, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ giãn nộp thuế phí cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 mà không có khả năng nộp. Các cơ quan chức năng cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn nộp ngân sách Nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi, cụ thể là với với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Song song, cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết thủ tục hành chính triệt để trên môi trường mạng.

Về giải pháp dài hạn, bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ. Cụ thể, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ; cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính có liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông thuỷ sản để tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.