Thông báo số 259/TB-UBND do UBND TP Hà Nội ban hành đã truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung các nội dung đã thống nhất tại cuộc họp về đầu tư nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa trên địa bàn TP.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện nay, trên địa bàn TP nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân hiện đang rất lớn; hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng trước mắt của các hộ dân ở một số khu vực có khả năng khai thác nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung của TP và một số trạm cấp nước nông thôn. Tuy nhiên, việc mở rộng mạng lưới cấp nước gặp nhiều khó khăn do không đủ nguồn cấp nước. UBND TP Hà Nội đã chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn TP; hạn chế đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; cổ phần hóa các công ty cấp nước của thành phố; theo quy hoạch đến năm 2019-2020, thành phố sẽ dừng cấp phép khai thác nguồn nước ngầm. Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia đầu tư nước sạch trên địa bàn TP việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại; giới thiệu ngân hàng cho vay vốn với lãi suất vay ưu đãi; hỗ trợ thủ tục đầu tư, đảm bảo thông thoáng, nhanh gọn. Thực hiện chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư nước sạch trên địa bàn TP, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, các nhà đầu tư nghiên cứu địa bàn, quy mô đầu tư, lựa chọn công nghệ..., hoàn thiện hồ sơ đề xuất, trình duyệt theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về vốn thực hiện và hiệu quả kinh doanh của dự án. Khi đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu, xem xét, lựa chọn theo các hình thức đầu tư sau: Đầu tư đồng bộ nhà máy và hệ thống phân phối. Đầu tư đồng bộ hoặc một phần (bao gồm cả tuyến ống truyền dẫn cấp nước chính và mạng lưới phân phối, dịch vụ) theo đơn vị hành chính xã, huyện. Đầu tư toàn bộ các tuyến ống truyền dẫn cấp nước chính, tạo hệ thống hạ tầng khung, đảm bảo phát triển hệ thống cấp nước toàn bộ khu vực phía Tây TP Hà Nội (hệ thống bán buôn). Đầu tư phần mạng lưới phân phối, dịch vụ và cấp nước vào nhà cho các hộ dân theo đơn vị hành chính xã, huyện (hệ thống bán lẻ). UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, phối hợp các sở: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và đơn vị liên quan cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nước sạch trên địa bàn thành phố, quy hoạch, công nghệ,...; tiếp nhận đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư, tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Trước đó, cuối năm 2015, sau khi đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Sông Hồng xây dựng nhà máy nước mới dùng nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng với tổng vốn đầu tư gần 3.700 tỷ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Việc nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng các dự án an sinh xã hội, điển hình là Nhà máy nước mặt sông Hồng đã làm giảm gánh nặng đầu tư cho Nhà nước và phát huy tính cộng đồng. Hiện, 2/3 nước sạch của Hà Nội được khai thác từ nguồn nước ngầm đang có nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt và gây sụt nền. 5 năm tới, Hà Nội sẽ xây thêm 3 nhà máy nước mặt mới để hạn chế dần việc khai thác nước ngầm. Rút kinh nghiệm từ dự án đường ống nước sạch Sông Đà, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ từ việc thiết kế kỹ thuật đến việc thực hiện dự án.