Đó là khẳng định của ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại cuộc trao đổi về “Tuần nhận diện hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 27/9 - 4/10.
Mục tiêu Bộ Công Thương đặt ra trong việc tổ chức “Tuần nhận diện hàng Việt Nam” trên cả ba miền đất nước là gì, thưa ông?
- Chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam" đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; Góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam; Tạo chuyển biến về nhận thức của các DN sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc... Từ đó, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về thương mại trên địa bàn toàn quốc,...
Có thể nói, Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" là một giải pháp hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu của Đề án "Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện khái niệm thế nào là hàng Việt chưa được cụ thể hóa, chẳng hạn sản phẩm do DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam như điện tử Samsung không nên coi đó là hàng Việt Nam, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Trong tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam biên soạn, phát hành vào tháng 11/2012 ghi rõ: Hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; Không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, trong các Luật Đầu tư, Luật DN cũng ghi rõ các tổ chức thành lập hợp pháp tại Việt Nam, sản xuất lắp ráp cung ứng dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam, bởi người Việt thì được gọi là hàng Việt Nam. Như vậy, hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các DN sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, Samsung hay bất luận DN FDI nào, HTX hay công ty TNHH được thành lập hợp pháp ở Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam thì hàng hóa sản xuất ra là hàng Việt Nam.
Người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế không nên quá phân biệt hàng của DN trong nước sản xuất hay DN FDI vì những sản phẩm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều phải sử dụng cơ sở hạ tầng, điện, chi phí giao thông của Việt Nam; Sản phẩm góp phần đưa GDP, xuất khẩu của Việt Nam tăng cao thì không có lý gì coi đó là hàng ngoại.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), những hiệp định này sẽ tạo ra sức cạnh tranh gay gắt đối với hàng Việt, vậy, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ thị trường trong nước?
- Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2007), nhiều thương hiệu Việt đã có những bước tiến để vươn ra thế giới nhưng ngược lại những hiệp định này cũng tạo sức ép buộc các DN phải đổi mới để cạnh tranh tốt hơn.
Với vai trò chủ trì trong đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản, mở cửa từng phần và mở cửa có lộ trình, qua đó tạo cơ hội cho DN Việt Nam dần làm quen với sức ép cạnh tranh khi hòa nhập kinh tế thế giới. Trong "Tuần nhận diện hàng Việt Nam", Bộ Công Thương đã quyết định các DN thuộc khối làng nghề, DN khó khăn về tài chính sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng và truyền thông; DN vừa và nhỏ sẽ được miễn phí 50%. Có thể nói đây là chương trình duy nhất các DN sẽ được hỗ trợ khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, từ đó hỗ trợ DN tạo ra khả năng cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Phiên chợ hàng Việt 2015 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
|