Hỗ trợ lãi suất 2%: Giải ngân khiêm tốn, sẽ có giải pháp điều chỉnh

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin tại họp báo chuyên đề mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, tiến độ của gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất chậm. Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện thiếu mặn mà vì ngại thanh kiểm tra. Doanh nghiệp khó khăn thực sự thì không đủ điều kiện theo quy định.

Tiến độ rất chậm, doanh nghiệp thiếu mặn mà

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng. “Tiến độ đang rất chậm. Vì thế Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi những vướng mắc” - ông Chi nói.

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, các ngân hàng thương mại còn lúng túng để xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất
Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, các ngân hàng thương mại còn lúng túng để xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách (hơn 40.000 tỷ đồng năm 2022 và 2023) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.Cùng ngày, NHNN ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Tài chính) thông tin thêm, qua quá trình tổng hợp, Bộ nhận thấy một số vướng mắc như bản thân doanh nghiệp chưa mặn mà và rất quan ngại nếu nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sau này bị thanh tra, kiểm toán nên không muốn. Nguyên nhân tiếp theo là do điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi. 

Phía Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, nguyên nhân đầu tiên khiến việc giải ngân chậm là các ngân hàng thương mại còn lúng túng để xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên lại không thuộc diện được hỗ trợ.

Ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, khi tiếp cận gói này đa số doanh nghiệp phải lắc đầu vì không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cho biết, họ không muốn đáp ứng và vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có doanh nghiệp còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất.

Khẩn trương tìm cách tháo gỡ

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như doanh nghiệp chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định. Cũng nhiều khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nên từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của ngân hàng thương mại.

Thực tế cho thấy, lãi suất tăng nhanh, tỷ giá căng thẳng gây áp lực lên chi phí vay tiền đồng. “Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước khi triển khai giảm lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp cần lựa chọn các tiêu chí phù hợp cho các ngân hàng thương mại, tránh việc đưa ra chính sách nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được, gói hỗ trợ lãi suất không đạt được mục tiêu” -  đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết.

Đại diện May 10 cũng đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may để hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu, nguy cơ thiếu hàng, lao động nghỉ việc dài ngày trong quý I và quý II/ 2023.

Ông Nguyễn Hoàng Dương (Bộ Tài chính) cho biết, các quy định liên quan như việc thanh toán trước 85% tiền hỗ trợ lãi suất cho những ngân hàng đang triển khai gói 2%, Bộ đang thực hiện rất nhanh chóng để khi ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước có hồ sơ đề nghị. Bộ đang khẩn trương tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn của gói hỗ trợ này.