Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ nông dân kết nối thị trường tiêu thụ nông sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/6, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức hội thảo Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị.

Hội thảo là cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã kết nối với các tổ chức, DN đưa các sản phẩm nông nghiệp an toàn vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP.

Các chuyên gia, nhà quản lý ''hiến kế'' giúp nông dân, hợp tác xã tiêu thụ nông sản
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận, gồm: Rau hữu cơ Sóc Sơn, Chè Bắc Sơn, Bưởi sạch Sóc Sơn, Gà đồi Sóc Sơn, Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm nông nghiệp nào có nhãn hiệu/thương hiệu cũng tiêu thụ thuận lợi. Đơn cử như, sản phẩm gạo Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, nông dân vẫn tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái nên giá cả rất bấp bênh, hiện nay giá bán rất thấp chỉ đạt 25.000 đồng/kg.
Đáng nói, một số HTX dù đã ký hợp đồng tiêu thụ với DN trung gian nhưng không ký kết trực tiếp với hệ thống bán lẻ, siêu thị, nên sản phẩm qua khâu trung gian đến tay người tiêu dùng đã bị đội giá. Đây là điểm trừ trong cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Đại diện Công ty Nấm KMS (huyện Sóc Sơn) cho hay, Công ty có 5 dòng sản phẩm nấm với sản lượng trên dưới 1 tấn/ngày. Hiện, Công ty đang ký hợp đồng với Công ty TNHH Thực phẩm Lý Tưởng Việt Nam (nhà phân phối trung gian) đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị Vinmart, Big C. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, vì vậy, Công ty mong muốn được ký kết trực tiếp với nhiều đối tượng khách hàng là siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể để tiêu thụ ổn định sản phẩm.
Sản phẩm gạo Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn dù đã có nhãn hiệu nhưng vẫn bí đầu ra
Thực tế cho thấy, nông sản gắn mác an toàn trên thị trường hiện nay rất đa dạng, phong phú, sản lượng lớn và đến từ mọi miền đất nước, do đó để có chỗ đứng trên thị trường không có cách nào khác là người sản xuất phải nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Trong đó, bao gồm các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; sản phẩm có thương hiệu/nhãn hiệu; địa chỉ cung ứng; giá thành hợp lý…
Bên cạnh đó, người sản xuất cần biết phân loại đối tượng người tiêu dùng theo từng phân khúc (nông thôn hay thành thị) và chủ động tìm hiểu thị trường.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân/HTX cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bởi, sản phẩm an toàn, chất lượng tốt nhưng không được nhiều người biết đến, thị trường không đón nhận thì giá trị sản phẩm không được nâng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân, lợi nhuận của HTX cũng không tăng.
“Nông dân lưu ý việc quy hoạch vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, hoặc hữu cơ được các tổ chức, cơ quan chức năng chứng nhận thì giá trị sản phẩm mới được nâng lên. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các DN tin tưởng, sẵn sàng bắt tay liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với bà con” - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhấn mạnh.