Hỗ trợ sinh kế cho người chấp hành xong án phạt tù

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Công an huyện Thạch Thất đã tích cực phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện kiểm tra trước khi cho hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù vay tiền.

Lầm lỡ tuổi thanh niên

Anh Đỗ Ngọc Hiền (sinh năm 1987), xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đã bươn chải mưu sinh từ khi lên 10 tuổi. Lớn lên, anh Hiền đi nghĩa vụ quân sự 2 năm rồi trở về địa phương. Lúc này, ở xã Phùng Xá có nhiều người làm nghề mộc nên anh đã nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ để mở một xưởng mộc, chuyên làm con tiện cầu thang. Thời điểm này, xưởng mộc do anh gây dựng làm ăn phát đạt, được nhiều người mua hàng vì giá hợp lý.

Công việc đang trên đà phát triển, đơn hàng về nhiều và các mối quan hệ xã hội của anh Hiền cũng nhiều lên. Tuy nhiên, trong một phút bốc đồng, anh đã vướng vào vòng lao lý với tội "Cố ý gây thương tích" và phải đi thụ án 10 năm tù.

Đầu năm 2021, anh mãn hạn tù trở về địa phương. Vào thời điểm này, anh chỉ có hai bàn tay trắng về quê trong khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, kinh tế - xã hội. Quá trình thăm hỏi bạn bè và tìm hiểu công việc, anh Hiền nhận thấy các cơ sở sản xuất rất thiếu linh kiện lắp đặt nội thất. Do đó, anh đã liên lạc với người quen để nhập khẩu linh kiện nội thất về đổ cho các cơ sở sản xuất, nhà máy...

Quá trình cung cấp linh kiện cho các cơ sở sản xuất đồ nội thất, anh Hiền nhận ra, việc nhập hàng từ nước ngoài về rất khó khăn, tốn nhiều chi phí thông quan, logistics... Do vậy, anh nảy ý nghĩ táo bạo, thành lập công ty chuyên sản xuất linh kiện nội thất.

Nói là làm, anh đã tích lũy cho mình một số tiền và kêu gọi thêm anh em, bạn bè đóng góp thành lập công ty với đầu tư ban đầu khoảng 8 tỷ đồng để mua thiết bị máy móc, công nghệ mạ của Trung Quốc.

"Lúc có ý tưởng thành lập công ty, tôi cũng băn khoăn và lo lắng, nhỡ mình làm không thành công sẽ gánh một khoản nợ rất lớn. Tuy nhiên, tôi lại suy nghĩ rằng cuộc sống chỉ thay đổi khi ta hành động còn chỉ nghĩ để đấy thì rất khó để thành công" - anh Hiền chia sẻ.

Sau 2 năm phát triển, đến thời điểm này, các sản phẩm mạ vàng... của anh đã có chỗ đứng trên thị trường và tạo công ăn việc làm cho 12 lao động.

Trợ lực để mở rộng sản xuất

Anh Hiền cho biết thêm, được nhiều đối tác tin tưởng, đặt hàng nên trong thời gian tới, anh sẽ mở thêm một xưởng sản xuất rộng khoảng 400m2. Với việc mở xưởng này, anh rất cần vốn đầu tư và may mắn biết đến NHCSXH có chương trình chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, anh đã cùng vợ tìm hiểu và vay số tiền 100 triệu đồng để đầu tư vào cơ sở vật chất, nhà xưởng mới.

Đại diện Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thạch Thất cho biết, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023, Chi nhánh NHCSXH huyện Thạch Thất đã phối hợp với Công an huyện và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, tổ chức hội đoàn thể được ủy thác vay vốn đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến chính sách tín dụng mới đến người dân.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thạch Thất phối hợp với Công an huyện Thạch Thất tổ chức kiểm tra trước khi cho vay đối với hộ vay chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tái hòa nhập cộng cồng, phát triển kinh tế gia đình.

Phương thức cho vay thông qua đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH. Trong đó, gia đình anh Đỗ Ngọc Hiền, xã Phùng Xá được vay tổng số tiền là 100 triệu đồng, trong thời gian 36 tháng với lãi suất cho vay 6,6%/năm, bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo.

Thời gian tới, để thực hiện tốt Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thạch Thất tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Công an huyện, hội đoàn thể nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nội dung chính sách.

Đồng thời triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện sớm được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, nâng cao chất lượng cuộc sống.