Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 kỳ vọng sẽ giải quyết tốt các tranh chấp phát sinh trong đời sống, giảm áp lực cho ngành Tòa án.
Với Tòa án, hòa giải, đối thoại là giải pháp giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp giảm thiểu số vụ việc phải đưa ra xét xử tại Tòa án. Ảnh: Thái San |
Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền, tính từ năm 2012 đến nay, số lượng các vụ án liên quan tranh chấp dân sự, hành chính đã tăng gấp hai lần với tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng. Nhiều vụ án dân sự, hành chính đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhưng vẫn tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Các bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm giảm niềm tin của người dân và xã hội đối với công tác tòa án.
Từ tháng 11/2018, TAND TP Hà Nội đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND 2 cấp TP Hà Nội. Hà Nội là một trong 15 tỉnh, TP được TAND Tối cao lựa chọn triển khai thí điểm phương thức này. TAND TP Hà Nội đã thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP Hà Nội và 15 TAND cấp quận, huyện, bao gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức và Chương Mỹ. |
Ðổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp trong xã hội. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất cản trở áp dụng mô hình này là sự thiếu hụt của khung pháp lý. Nhằm tạo ra bước cải cách đột phá trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, TAND Tối cao đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho bổ sung Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2019.
Các ý kiến đóng góp cho Dự án Luật đề nghị, nên rà soát lại tính hợp hiến, hợp pháp; phải đảm bảo xung đột không xảy ra trong quá trình hòa giải, đối thoại trước và sau khi đưa ra Tòa. Đồng thời, cần thành lập Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở những địa phương có nhu cầu, đủ điều kiện và có nhiều vấn đề dễ xảy ra tranh chấp…
Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền, hòa giải, đối thoại có thể giúp các bên giải quyết mâu thuẫn bằng chính ý chí của mình chứ không phải phán quyết của Tòa án thông qua phiên tòa xét xử. Qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên, hàn gắn những rạn nứt trong các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân. Qua việc hòa giải, đối thoại, người tiến hành hòa giải, đối thoại còn có thể giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành thuận lợi hơn.
Khẳng định sự cần thiết để xây dựng Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp và tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt, về phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.
Liên quan đến việc tổ chức, bộ máy của Trung tâm Hòa giải, đối thoại, nếu thành lập Trung tâm tại tất cả các TAND thì điều kiện và tính khả thi không cao. Do đó, Dự án Luật chỉ nên cân nhắc và lựa chọn phương án thành lập Trung tâm Hòa giải, đối thoại ở một số địa phương có điều kiện, nhu cầu.