Hoa Kỳ tiêu thụ nông sản Việt nhiều nhất trong 2 tháng đầu năm 2024

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,5% (tăng 77,3%).

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó đưa xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục khởi sắc.
Xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục khởi sắc.

Tính chung 2 tháng đầu năm, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm hàng nông sản chính đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; lâm sản 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; thủy sản 1,37 triệu USD, tăng 28,9%; chăn nuôi 78 triệu USD, tăng 15,1%.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như: sản phẩm gỗ 1,68 tỷ USD (tăng 59%), cà phê 1,38 tỷ USD (tăng 85%), rau quả 970 triệu USD (tăng 72,8%), gạo 708 triệu USD (tăng 49,8%), hạt điều 595 triệu USD (tăng 68,2%), tôm 403 triệu USD (tăng 20,5%).

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,5% (tăng 77,3%); Trung Quốc chiếm 21% (tăng 47,9%) và Nhật Bản chiếm 7,2% (tăng 29,2%).

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, các hoạt động xuất khẩu gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản, đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, đảm bảo sự hồi phục này là bền vững và không chỉ là một chu kỳ tạm thời đang là vấn đề đặt ra.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chú trọng khai thác, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt các hiệp định CPTPP, EVFTA. Hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.