Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoa lợi thương

Chia sẻ Zalo

Anh đến bến đò, đò đã sang sông...

Bến sông trước có một cây cầu nhỏ, cơn bão năm nước to nhất cuốn trôi, từ đó chẳng còn ai bắc cầu nữa. Người già trong làng bảo dân làng đóng góp để khi đủ tiền thì xây hẳn chiếc cầu bằng bê tông. Thành ra người làng muốn đi đâu phải qua sông bằng thuyền. Buổi sáng đang lơ mơ trong giấc ngủ, tôi nghe thấy ngoài đường nhốn nháo. Mắt nhắm mắt mở tôi chạy ra xem. Thì ra cái Tí nhà cô Thảo bị ngã xuống sông, người lớn đang dốc ngược lên để cứu nó. Nhờ vào kinh nghiệm dân gian, cái Tí được cứu sống.

Nửa đêm, mẹ cái Tí qua sông, đi tìm bố nó ngoài thị xã. Tỉnh dậy không thấy mẹ đâu. Cái Tí chạy ra bến sông, đứng ở mép ngoài vừa khóc vừa gọi mẹ, trượt chân ngã xuống nước. May mà có người nhìn thấy... Tí là tên cúng cơm. Còn tên thật đẹp lắm, là Lợi. Mẹ đặt tên nó như vậy để sau không phải chịu thiệt thòi như mình.

Bây giờ Lợi là một cô gái giỏi thuyền bè sông nước. Từ ngày cây cầu gỗ bị nước cuốn trôi nay đã hơn mười năm, cây cầu bằng bê tông vẫn nằm trong ý nghĩ. Mười ba tuổi, Lợi đã biết đỡ mẹ chèo thuyền đưa người làng qua sông. Thuyền của làng, làng trích quỹ ra trả công. Còn người ngoài đến thì thu tiền. Tôi trước đây không để ý đến Lợi, nhưng từ hôm theo chị qua sông lên tỉnh, nhìn thấy khuôn mặt Lợi nhem nhuốc đến buồn cười. Khuôn mặt tươi rói, duyên khó tả, cái nhem nhuốc chẳng những không làm xấu đi mà càng tăng thêm vẻ đẹp quê mùa phơi phới. Hai vòm ngực nhô ra, rờ rợ. Không hiểu sao về nhà tôi lại nhơ nhớ hình ảnh Lợi, lòng xao xuyến. Từ ước được cầm tay, đến ước được ôm. Rồi ước người ta là của mình... Suy nghĩ rất nhiều đêm, sau tôi nghĩ ra một cách để làm thân với Lợi.

Hoa lợi thương - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Lợi chở tôi đến giữa sông, trước đó tôi cố tình ngồi lệch một bên mép thuyền. Vờ vươn vai một cái, chiếc thuyền tròng trành. Tôi ngã ngửa xuống sông, chới với trong dòng nước, chân quẫy tay quờ, la oai oái. Lợi nhẩy tùm xuống túm lấy áo, tay chân tôi vẫn khua tít mù. Một hồi khó khăn, Lợi đưa được tôi lên thuyền và mang vào bờ.

- Anh sao rồi? Đàn ông con trai gì mà kém cỏi. Bơi cũng không biết!

Tôi suýt phì cười. Thế là mình đã làm quen được với cô rồi. Tôi nhịn cười, cố tỏ ra sợ hãi, như vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh.

- Cảm ơn Lợi. Không có Lợi thì tôi hết đường về quê mẹ rồi.

Lợi mỉm cười. Mái tóc bết nước, cả áo quần bết nước. Đôi mắt trong veo xoe tròn cũng ướt át nhìn tôi. Tự dưng tôi có cảm giác muốn nhẩy cẫng lên, nhưng sợ bị lộ hết kế hoạch nên cứ ngồi bệt thở phì phò.

Đến lúc tôi không nhịn cười được nữa. Lợi lườm tôi, khó hiểu.

- Sao anh lại cười? Không biết xấu hổ còn...

- Tôi lại cứ muốn mình ngã xuống sông mãi. Vì Lợi ở đây, Lợi sẽ vẫn cứu tôi.

- Này anh đừng có lợi... dụng! - Nụ cười phụng phịu làm tôi không thể không mê được.

Đêm trăng mười sáu, thanh niên nam nữ trong làng ra bến sông ngắm trăng, hát đối. Chia ra mỗi bên vài nam vài nữ. Bên nào thua thì tháng sau vào ngày này phải chi tiền mua bánh kẹo liên hoan cho cả hai đội. Lợi một mình bơi thuyền ra giữa sông, thách anh nào đối được, sẽ đưa anh đó xuống thuyền và dạo sông suốt đêm. Đã ba câu mà không ai đối được. Bà nội tôi thuộc rất nhiều câu hát đối, nên tôi học lỏm được một ít. Lúc Lợi cất lên câu hát thứ tư, tôi chợt nhớ ra một câu có vẻ hợp, thế là liều đối. Giọng vịt đực. Ai ngờ mọi người vỗ tay. Lợi từ từ bơi thuyền vào. Chàng bước lên thuyền nàng. Trăng sóng sánh trên sông, vung vãi hào phóng, soi rõ nụ cười của nhau. Tôi sướng rơn người. Thuyền trôi ra xa. Chỉ còn nghe thấy tiếng vỗ tay, tiếng hát vang của nam thanh nữ tú...

Thời gian vụt qua, tôi với Lợi thân nhau lúc nào không biết. Gọi những ngày đầu quen nhau là kỷ niệm thì chúng tôi đã có một chuỗi ngày lãng mạn và tuyệt vời. Sau này tôi không thể giấu được mình có biết bơi. Nhưng tôi vẫn thích lừa Lợi. Em cứ bỏ mặc tôi quẫy đạp dưới nước. Mãi tôi không "chết" được, lóp ngóp bò lên bờ. Lợi kéo mũi tôi dài ra: "Đừng hòng lừa được em nữa. Em chỉ mắc lừa một lần thôi. Để anh quẫy dưới nước cả ngày cũng không chết được". Nhà tôi có mấy cây hoa móng rồng bố tôi mang về từ quê ngoại. Lợi rất thích hoa móng rồng. Một lần, em mê mải ngắm còn tôi mơ màng nhìn em và nghĩ về ngày sắp tới. Em không biết hoa gì, hỏi tôi. Tôi mải nghĩ không để ý. Định nói với em một câu nhưng tôi buột miệng: "Lợi... thương". Em tưởng tôi nói về hoa, hỏi lại: "Hoa lợi thương á?". Chợt trong tôi lóe lên một ý tưởng tuyệt hay. Lợi thương ư? Đúng rồi. Hoa lợi thương. Cứ cho nó là hoa lợi thương đi.

- Có đúng là hoa lợi thương không anh? Em hỏi lại. Tôi đánh liều:

- Đúng rồi em ạ. Đây là hoa lợi thương.

- Ôi hoa lợi thương! - Em reo lên - Em là Lợi, hoa lợi thương. Chúng mình có duyên với nhau.

Từ hôm đó, hoa móng rồng trong vườn có một cái tên mới, mang tên em. Em thích trồng hoa lợi thương. Bố bảo đợi một thời gian hoa sẽ kết quả.. Tôi vặt những trái chín, mang đến nhà em. Lợi thích lắm. Em bóp nhẹ, quả tách ra làm năm múi, vỏ cong vêu, hạt bé xíu trên tay. Lợi bảo: "Em sẽ nhân thành một vườn hoa anh ạ".

Nhưng đợi mãi mà những hạt giống không nảy mầm. Hỏi bố, bố nói: "Hoa tuy dễ tính, nhưng cũng đòi hỏi người trồng phải thực sự có lòng và kiên trì. Các con thử lại xem". Tôi về vặt lại những quả chín, mang đến gieo trong vườn nhà em. Mỗi ngày chăm chỉ tưới nước, chờ đợi. Một tuần sau hạt nảy mầm. Lợi vui lắm, sáng nào cũng ra ngắm mầm cây lớn lên.

Ngày nở hoa cho niềm vui ùa đến. Hai đứa nhìn nhau. Lợi hỏi:

- Liệu chúng mình có làm thành một vườn hoa không anh?

- Được chứ em, chúng mình sẽ làm được. Cả vườn này sẽ là một vườn lợi thương. Anh cũng sẽ thương em cả đời, Lợi ạ!

- Anh nói thật hay nói dối? Người ta nói đàn ông vô tình hay thay đổi, em sợ...

Tôi ngăn em lại:

- Không, em đừng nghĩ thế. Anh sẽ không thay đổi. Chỉ yêu mình em thôi. Hai đứa mình sẽ trồng những mùa hoa, sống trong sắc hoa này. Anh sẽ hát em nghe những đêm trăng trên thuyền. Tin ở anh em nhé!

Lợi âu yếm nhìn tôi, uống những lời vừa tỏ tình vừa thề thốt. Em ôm tôi chặt hơn. Tóc em thơm mùi lá bưởi, quấn cả vào gió. Chúng tôi hạnh phúc những đêm trăng trên thuyền. Ban ngày em vẫn đỡ mẹ lái thuyền trên bến. Có lúc em nói với tôi: "Không biết bao giờ người ta mới xây được cầu qua sông, để mẹ con em khỏi phải chèo thuyền". Tôi nói: "Nhưng anh lại muốn em chèo thuyền đưa anh sang sông. Có cầu hay không anh không quan tâm. Anh đã có cây cầu đến lòng em rồi. Đến với em thì qua cầu ấy". Em cười: "Anh cũng lãng mạn gớm nhỉ!"

Tôi không biết bố Lợi đi đâu. Mấy năm trước chú ấy còn ở nhà. Chỉ thấy thi thoảng mẹ em lên thị xã. Tôi không hỏi cặn kẽ. Nhưng có lần thấy em buồn. Gặng hỏi mãi em mới nói: "Em thương mẹ em quá. Mẹ mãi nhớ nhung con người bạc bẽo ấy. Em bảo mẹ em hãy quên ông ta đi. Nhưng mẹ vẫn lên thị xã tìm. Mẹ nhẫn nhịn quá. Cũng vì em thôi... Ông ấy sẽ không bao giờ về bởi đã có người khác. Em biết, nhiều đêm mẹ ngồi khóc một mình. Thương mẹ, em chỉ biết an ủi.". Em nấc lên, hai mắt ướt nước. Lợi kể thêm: "Mẹ đẻ em ra được mấy tháng thì bố em theo người đàn bà khác. Mẹ em buồn quá, xin làng cho chân lái thuyền khi cây cầu gỗ bị lũ cuốn trôi... Mắt mẹ buồn sâu hun hút, mỏi cổ ngóng về phía thị xã..."

Tôi ghì xiết lấy em, mong sao truyền cho em chút hơi ấm, em sẽ nhẹ nhõm hơn.Cuối hè, người ta có kế hoạch xây cầu. Người già bảo, dân làng đã góp đủ tiền, có thể xây được cầu. Luồng gió đô thị thổi đến cả những ngôi làng xa lắc. Làng tôi cũng đổi mới theo. Mấy ngày qua, cán bộ xã, thôn và bên thầu xây dựng đã về đo đạc. Nhiều người rộn rã, nhao nhao. Làng có cầu là đổi được đời.

Nhanh quá. Cầu xây gần xong, bê tông cốt thép hiên ngang. Gặp Lợi, không hiểu sao em không nhìn mặt tôi nữa. Đuổi theo, em chạy. Lát sau em dừng lại, hai mắt ứa lệ, rồi lại bỏ chạy. Khó hiểu quá. Tối đó tôi sang nhà em, mẹ em gọi tôi vào nói: "Anh thông cảm, con gái tôi có nơi có chốn rồi. Anh về đi, đừng đến làm phiền nó nữa". Tôi chết lặng, không tin ở tai mình. Tôi ra vườn hỏi Lợi tại sao, có phải sự thật không? Lợi bật khóc, chạy vụt ra bờ sông. Tôi lao theo.

Trăng mười lăm chưa tròn, sáng vành vạnh. Hai đứa bên nhau trong nước mắt. Lợi ôm lấy tôi:

- Anh ơi, tha lỗi cho em, em không thể không nghe lời mẹ. Mẹ đã khổ một đời vì em... Mẹ không thích gả em cho trai làng này. Làng này đàn ông có cái dớp bỏ vợ. Ông nội em xưa cũng bỏ nhà đi. Đến lượt bố em, rồi bác Cả, chú Chúc... Mẹ căm thù thói bội bạc. Rồi mẹ khóc. Em xin mẹ cho em được làm theo con tim mình, mẹ nói không nghe mẹ thì cắt đứt không mẹ con gì nữa. Em phải làm sao anh?

Hiểu mọi chuyện rồi. Em đừng khóc, Lợi ơi. Tại sao lại như vậy. Chúng mình có duyên mà không đến được với nhau. Anh cũng không biết làm sao bây giờ? Bến sông im ắng. Bờ vai tôi và em đều sũng nước.

Có người hỏi tôi: "Mày làm sao để thằng xây cầu nó hớt tay trên rồi?". Tôi ngượng không ngẩng mặt lên được.

Thằng xây cầu đón Lợi bằng ô tô. Hắn từ ô tô bước xuống, kính râm, tóc vuốt keo bọt. Hắn chính là chủ thầu xây cây cầu làng. Bây giờ đánh ô tô qua cầu, rước người yêu tôi lên phố chơi. Tại cây cầu hay tại ai mà anh mất em? Tôi hỏi trời mây, rồi lao ra bờ sông, vật vã hát: "Tại cây cầu để mất người yêu... Anh đến bến đò, đò đã sang sông..."

Ngày Lợi lên xe hoa, tôi thui thủi bờ sông một mình. Đám cưới to chưa từng thấy, nhà trai đem mấy ô tô về đón cô dâu Lợi. Người đàn ông cắt cỏ, nhìn thấy tôi mếu máo, bảo: "Ngu lắm con ơi, cưới vợ không cưới liền tay, nuôi tình lớn để rồi nó hớt tay trên mất". Tôi ném những viên sỏi xuống dòng sông, rồi nhảy ùm xuống, bơi một mạch sang bờ bên kia. Vừa bơi vừa hét. Buồn vì mình dày công xâu chỉ cho kẻ khác đơm khuy.

Thi thoảng tôi vẫn đi qua nhà em, nhìn hoa lợi thương lan kín vườn. Giờ có thể em đang vui, mẹ em hài lòng và bớt căm giận đàn ông bội bạc làng này. Nhưng tôi vẫn thương em, Lợi ạ. Dù sao chúng mình đã từng cùng nhau gieo cả một vườn hoa.