KTĐT - Sau đợt thất thu do rét đậm, rét hại trong những ngày Tết Nguyên đán, đến dịp Quốc tế Phụ nữ (8/3), mặc dù giá hoa tăng cao nhưng nhiều người trồng hoa ngoại thành vẫn chưa hết lo vì số lượng hoa nở khá ít.
Cao giá, đắt hàng
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là người trồng hoa lại tất bật chuẩn bị chăm sóc hoa cho dịp 8/3. Năm nay, giá hoa tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 15%, nhưng sát đến ngày lễ, giá hoa bỗng tăng vọt lên trên dưới 40%. Anh Quách Quang Vũ, một người trồng hoa đồng thời là thương lái thu mua ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh cho biết: Ngay từ những ngày đầu tháng 3, giá các loại hoa đã tăng 40 - 50%, trong đó tăng mạnh nhất là hoa hồng bởi đây là loại hoa được chuộng trong ngày lễ. Giá bán xô trung bình 2.000 - 3.000 đồng/cành; hoa hồng cành dài, đẹp được bán với giá 5.000 - 6.000 đồng/bông. Riêng hoa hồng màu (vàng, trắng), cành ngắn có giá rẻ hơn, ở mức 700 - 1.000 đồng/bông, chủ yếu để cắm lẵng.
So với hoa hồng, giá các loại hoa cúc có "mềm" hơn, khoảng 1.000 - 1.500 đồng/cành. Song mức giá này cũng đã tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây hơn một tuần. Chị Chu Thị Phi, xã Tây Tựu (Từ Liêm) cho biết, nhà chị trồng 2 sào hoa, trong đó nửa sào là hoa phăng xê, còn lại là hoa cúc. Chỉ trong ngày 6/3, chị đã bán được hơn 3 luống. 2 luống còn lại, bán hết luôn trong ngày hôm sau. Hoa phăng xê bán khá dễ, với đủ các màu, tím, đỏ, son, trắng…, giá bán tại vườn là 800 đồng/cành.
Tại chợ hoa đầu mối Mê Linh, giá bán buôn các loại hoa khác cũng đã tăng cao. Hoa ly có giá 30.000 - 35.000 đồng/cành, hoa loa kèn 2.500 đồng/cành… Các loại hoa phụ để bó kèm giá cũng nhích lên theo. Trong khi đó, tại các điểm bán lẻ, cửa hàng hoa trong nội thành, mức giá còn "đội" lên gấp nhiều lần hơn.
Người trồng hoa vẫn thấy… đắng
Giá hoa hồng năm nay đắt hơn so với năm ngoái, song người trồng hoa vẫn không có được niềm vui như mong đợi. Nhiều nông dân ngậm ngùi vì không có hoa để bán. Lướt qua những cánh đồng hoa của các xã ngoại thành thấy không khí làm việc của bà con rất uể oải. Chị Nguyễn Thị Hay, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh cho biết: "Không có hoa nở thì có việc gì làm đâu". Bà Nguyễn Thị Thu, thôn 2, xã Tây Tựu (Từ Liêm) trồng 7 sào hoa hồng, nhưng lượng hoa nở để bán không đáng là bao. Bà Thu cho biết: "Từ mồng 6/3, tôi mới cắt được vài trăm bông để bán mà đã gần như hết vườn". Như bà Thu, hơn 4 sào hoa hồng của bà Đặng Thị Nghi, thôn 1, xã Tây Tựu cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo bà Nghi, dịp 8/3 năm nay không có nhiều hoa bán, vì phần lớn lứa hoa lỡ Tết đã nở vào dịp Rằm tháng Giêng khi trời có nắng. Trong khi đó, lứa lộc cho dịp 8/3 thì giờ mới đang vươn.
Đợt rét đậm kéo dài trong Tết đã khiến cho nhiều diện tích hoa không trổ nụ được. Ông Đinh Duy Hoà, Phó Chủ nhiệm HTX Tây Tựu 1 bộc bạch: Tầm nửa tháng nữa, lứa hoa hồng vào dịp nở rộ sẽ lại thừa phí vì không đúng dịp lễ nào lớn. Cùng tâm trạng trên, ông Nguyễn Chu Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết: Đợt rét đậm kéo dài trong Tết đã làm cho 240ha diện tích hoa hồng của xã chỉ đạt 30% sản lượng. Sau Tết, mặc dù thời tiết có ấm hơn nhưng vào thời điểm 8/3, sản lượng hoa cũng chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. "Hiện các ruộng hoa hồng đang trổ rất nhiều nụ, nhưng phải tới tháng 4, tháng 5 mới cho thu hoạch. Khi ấy không phải dịp lễ lớn nên giá hoa chắc chắn sẽ giảm mạnh. Người nông dân luôn rơi vào trạng thái "được mùa mất giá, được giá mất mùa" - ông Đồng chia sẻ.