Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoa Tưoi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thành phố, nơi đẹp đẽ nhất, tươi thắm nhất là quầy bán hoa tươi Tràng An. Quầy hoa trông tựa một trích ngang của cõi bồng lai tiên giới, nơi tụ hội của ngàn hoa, của muôn hồng ngàn tía, mặc sức khoe hương.

Trong quầy có nhiều loài hoa giống bản địa, cũng có nhiều loài hoa giống nhập nội, thậm chí có cả những loài được chở về bằng tàu bay, từ xứ sở của những chiếc cối xay gió huyền thoại hiền lành tít tận trời Tây xa lắc. Có những loại hoa rất đắt tiền, giá trị một bông bằng mấy bữa ăn trưa. Cũng có những loại hoa giá rất bình dân, bỏ ra năm ngàn mua được cả ôm.

Bà chủ quầy bảo: "Những bông hoa to là những bông hoa đẹp nên đắt tiền, nhưng đứng một mình thì trơ trẽn lắm, nhạt nhẽo như đám cưới không có phù dâu, vô duyên như bát phở ngon thiếu rau thơm chanh ớt. Còn những chùm hoa bé li ti, nếu đứng một mình, trông chẳng khác gì búi cỏ dại. Những bông to muốn duyên dáng đậm đà, muốn sang trọng, muốn nổi bật thì phải có những chùm hoa li ti kia làm nền. Đổi lại, được cắm chung với những bông hoa to trong một bình, những bông hoa li ti kia lại được phần danh giá, chẳng ai bảo chúng là loài cỏ dại rẻ tiền nữa".

Thu nhập chính của quầy hoa là nhờ vào việc kinh doanh những bông hoa to, đặc biệt là những giống hoa mới nhập nội, bởi chúng là của độc và do đó: thời thượng. Công chức có thu nhập khá hoặc người giàu có thường bày những loại hoa ấy trong nhà để tỏ rõ cái khí đại gia vĩnh phú. Các chàng trai thường mua tặng người yêu để mối quan hệ thêm phần lãng mạn thanh sang. Cánh ngũ tuần bóng mượt mua tặng bồ nhí để biểu thị trữ lượng tài chính dào dạt khôn lường của mình. Các em nhỏ, đôi lần trong năm, thường nhắc cha mẹ mua tặng thày cô để tỏ tấm tình chân thành kính ái. Vào những dịp lễ Tết, quầy hoa thường bị "cháy hàng". Ấy là nói về những bông hoa to, còn những búi hoa lin din kia thì chưa thấy "cháy" bao giờ; thường không bán hết và đến khi kém tươi liền bị bà chủ hắt hủi, tấp cả đống ra ven đường hoặc quẳng vào nơi tập trung rác thải.

Hôm ấy là một ngày nắng đẹp ấm áp. Đây đó, trên những cành cây khô trụi, đã thấy lấp ló, lấm tấm những lộc xuân non tơ mơn mởn; cây cỏ chợt dụi mắt bừng tỉnh sau những ngày đông tháng giá đằng đẵng ảm đạm. Hình như tiếng hót líu lo của lũ chim đã đánh thức và làm bừng lên những lộc xanh ấy.

Bà chủ mở cửa dọn hàng. Một làn gió nhẹ bay tới, lọt vào nhà, lướt nhẹ trên những bông hoa, khiến chúng vui sướng đến nỗi cứ rung lên nhè nhẹ, e ấp tỏa hương. Bà cảm thấy trong lòng vui vẻ, nhẹ nhõm khác thường và miệng những chỉ muốn cười muốn nói. Bà thay chén nước. Bà bày đĩa hoa quả. Bà thắp mấy nén hương ở khoang thờ thần Tài đặt dưới đất.

Rồi thổn thức, bà thành tâm xuýt xoa khấn vái và thầm nghĩ: “Hôm nay chắc bán được hàng đây, Giời Phật bao giờ cũng độ cho người tử tế”.

Có tiếng lạch cạch từ ngoài cửa vọng vào. Bà ngoảnh lại và nhận ra đấy là một cô gái. Đây là người khách đầu tiên trong ngày. Người mở hàng buổi sớm, theo kinh nghiệm mấy chục năm bán hàng của bà, sẽ quyết định chất lượng buôn bán của cả ngày. Gặp được người nhẹ vía, mua bán dễ dãi và sộp thì suốt ngày khách vào khách ra, luôn chân luôn tay, trao hàng nhận tiền. Vớ phải kẻ cau có, ki bo, cò kè thêm bớt thì cũng kể như gặp hạn, cả ngày chỉ còn mỗi một việc là tiếp khách suông và ngồi ngáp vặt.

Cô gái tựa xe vào gốc cây, bồng bềnh trong tà áo dài trắng nhẹ bay trong gió, nhẹ bước vào cửa hàng, đôi mắt trong veo bừng sáng. Cô đứng giữa gian hàng, lặng người mê mải ngắm nhìn những giá, những bình tràn ngập hoa tươi. Làn da trắng mịn của cô khiến ta liên tưởng đến làn nước suối buổi ban mai, cặp môi hồng nhạt xinh xắn hé cười khiến ta nghĩ đến những gì trần gian còn thiếu. Lúc ấy, những cánh hoa dường như ngừng rung rinh; chúng xao xác hướng cả về phía cặp môi hồng, chụm đầu thì thầm với nhau: Kìa, trên mặt cô bé cũng có một bông hoa đấy!

 - “Hôm nay có đủ cả đấy, cô ạ! Ly Đà Lạt, Tuy líp Hà Lan và Lan Thái nữa...” - bà chủ tươi cười, đon đả, xăm xắn chào mời.

- Cháu cảm ơn bác.

Cô gái tiến lại góc gian hàng, cúi xuống, nhẹ nhàng rút lấy mấy nhánh Violette từ một cái xô nhựa màu đỏ để dưới đất. Cô đưa những ngón tay nhỏ nhắn mơn man lên những cánh hoa bé bỏng, mỏng mảnh. Rồi cô nhẹ áp mặt vào đám hoa tím biếc, nồng nàn hít hà, hệt cử chỉ của một người mẹ yêu con.

- Cô chọn thêm loại gì nữa đi.

- Cảm ơn bác, cháu mua hoa này thôi.

“Người trông như thế mà hóa rán sành ra mỡ” - bà chủ trong lòng hậm hực không vui - “Ky kiết quá thể. Vừa sáng ra mà đã vớ phải cái của này thì cả ngày rõ là ăn cám rồi! Bình thường, với vài cành hoa vớ vẩn ấy, bà thì cho không, nhưng vừa sáng bảnh mắt, mở hàng mở họ gì mà đã ám quẻ người ta thế này thì bố ai chịu được!”…

- “Mười lăm ngàn!” - bà nói thủng thẳng, chắc đanh, cho bõ tức.

- “Cao quá, bác ạ!?” - cô gái ngẩn mặt, ngạc nhiên.

- “Nhưng hàng của tôi rất tươi... Tùy cô!” - hai tay vòng trước ngực, xây khuôn mặt ra ngoài phố, bà đủng đỉnh giải thích.

Cô gái tròn mắt, thất vọng, trả mấy cành hoa về chỗ cũ, chào bà chủ rồi đi ra. Nhưng, không hiểu sao, đến cửa, cô dừng lại, ngoái đầu nhìn về phía mấy cành hoa tím, không giấu được vẻ tiếc rẻ, thèm khát. Rồi cô quay vào:

- Vâng, đúng là tươi quá. Bác bớt cho cháu một chút có được không ạ?

- “Tôi nói đúng giá đấy... Mà tôi có ép cô đâu?” - bà thong thả nhìn cô, vẻ mặt đầy kiên định.

Tần ngần một lát, cô gái toan chào bà chủ, nhưng dường như có cái gì đấy níu cô lại, vừa dùng dằng, vừa đắn đo, cân nhắc. Cuối cùng, bằng vẻ háo hức của một người đi mua ti vi trước ngày World Cup, cô quả quyết trả tiền và đi ra; vừa bước vừa hớn hở vùi mặt vào giữa cái "búi cỏ" tím biếc ấy mà âu yếm xuýt xoa. Còn bà chủ thì vội lấy một tờ giấy gói hàng, châm lửa và huơ loạn xạ mấy lượt khắp cả gian hàng...

Đến gần chỗ để xe đạp, cô gái gặp một bà lão vừa đi tới, tay chìa cái mẹt nhỏ về phía cô: “Cô ơi, cô mua cho già một phong kẹo đi!”.

Nhìn bà lão lọm cọm, tay gậy tay mẹt, vai khoác một chiếc túi nhỏ cáu bẩn, khuôn mặt nhăn nheo sạm lại vì nắng, gió và bụi, cô lục túi lấy ra một tờ hai ngàn.

- “Cháu không ăn kẹo cao su, cụ ạ” - cô dúi tờ tiền vào tay bà cụ - “Cháu biếu cụ”.

Bà cụ nhìn cô, vẻ không bằng lòng, đưa trả lại tờ giấy bạc: “Cô ơi, sao lại làm thế?”.

Cô gái chừng đã hiểu ra, ngập ngừng nài nỉ: “Cháu... biếu cụ thật mà” - cô mỉm cười, lúng túng như kẻ mắc lỗi.

Bà lão, sau giây lát ngạc nhiên, rồi lưỡng lự, nói:

- “Vâng... Già xin cô. Cô thật phúc đức quá!”.

Bà lão quay lưng đi tiếp. Cô nhìn theo, vẻ chưa hết băn khoăn, rồi đột nhiên chạy theo.

- Cụ ơi, khoan hãy đi... Thế cụ là người ở đâu ạ?

Bà cụ dừng bước, lại càng ngạc nhiên. Có lẽ chưa ai hỏi bà câu ấy.

- Già ở Phú Xuyên…

- Thế các anh chị con cụ đâu mà để cụ phải đi bán kẹo thế này?

- Chả giấu gì cô, già chỉ có một đứa con gái mà không may nó lại bị dở hơi. Bây giờ người ta nuôi nó bên Trâu Quỳ ấy, cô ạ. Thôi, cũng tốt cho nó. Xã hội cũng còn khối người tốt quá cô ạ ! Cứ nghĩ đến nó, già lại thấy thắt cả ruột cả gan mà không làm gì được cho nó.

Hai giọt nước mắt ứa ra, chảy dài theo những nếp nhăn trên khuôn mặt dầu dãi của bà lão. Hình như đôi mắt trong veo của cô gái cũng ươn ướt. Cô lập cập mở túi, cuống quýt vét voi được hơn hai chục ngàn, để cả vào mẹt kẹo của bà lão, không nói gì, rồi vội vã cắm cổ chạy đi. Còn bà lão thì dường như chưa kịp hiểu ra điều gì, đứng ngẩn người, nhìn theo tà áo trắng ngần và tấm lưng thon thả, trong suốt của cô gái...

Mãi sau, như người mộng du, bà lão bưng mẹt kẹo đi tiếp và miệng cứ lầm rầm mãi:

- Mô Phật... Mô Phật...!