Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Họa vô đơn chí

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc Chính phủ Bulagria hôm 20/2 tuyên bố từ chức đã nối dài danh sách các Chính phủ châu Âu bị đổ vỡ vì chính sách thắt lưng buộc bụng.

Trước đó, để xoa dịu sự tức giận của dân chúng, Thủ tướng Boiko Borisov đã cách chức Bộ trưởng Tài chính, cam kết sẽ nới lỏng các biện pháp thắt chặt chi tiêu, giảm giá điện... Thậm chí để thực hiện cam kết trừng phạt các công ty nước ngoài lũng đoạn thị trường, ông Borisov đã tước giấy phép phân phối điện của CEZ - một trong những tập đoàn lớn nhất châu Âu và tạo nên một cuộc xung đột lợi ích với các đối tác đến từ Cộng hòa Séc và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các cuộc biểu tình quy mô lớn, trên diện rộng vẫn diễn ra vào hôm 19/2, tại một số nơi biểu tình đã biến thành đụng độ, khiến ít nhất 25 người phải nhập viện.
 
Họa vô đơn chí - Ảnh 1
 
Thủ tướng Boiko Borisov vừa thông báo từ chức ngày 20-2 - Ảnh: AP

Giữa lúc Thủ tướng Borisov đọc lời từ chức, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã công bố một gói kích thích kinh tế bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như là một động thái nhằm xoa dịu bất ổn trên chính trường do các cáo buộc tham nhũng nhằm vào cá nhân ông. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bận rộn với lịch trình công du Na Uy nhằm bàn thảo với người đồng cấp chủ nhà Jens Stoltenberg. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận, quan hệ kinh tế và năng lượng song phương cũng như các vấn đề chung châu Âu.

 
Họa vô đơn chí - Ảnh 2
 
Cảnh sát Bulgaria đụng độ với người biểu tình ở thành phố Sofia hôm 19-2 - Ảnh: Reuters

Cùng ngày, cuộc tổng đình công trên toàn quốc do Tổng Liên đoàn lao động Hy Lạp (GSEE) tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của hàng triệu người Hy Lạp nhằm phản đối chính sách cắt giảm tiền lương, các khoản thuế cao đánh vào người dân.

Thiệt hại của cuộc đình công kéo dài 24 giờ này đã gây thiệt hại nặng do giao thông đình trệ, trường học, bệnh viện phải đóng cửa và làm sâu sắc hơn tình cảnh khốn khó của nền kinh tế Hy Lạp và gây thêm sức ép tới Chính phủ liên minh của Thủ tướng Antonis Samaras mới tại vị được 8 tháng. Những diễn biến trên chính trường đã đẩy các quốc gia khó khăn nhất EU rơi vào tình cảnh "họa vô đơn chí" khi vừa phải giải quyết khủng hoảng nợ công, vừa phải đối mặt với sự phẫn nộ ngày càng tăng của dân chúng, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hàng loạt các Chính phủ cầm quyền.