Vi phạm không còn đất diễn
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, năm 2022, UBND huyện đã ban hành các quyết định xử lý 12 trường hợp vi phạm đất đai thuộc thẩm quyền. Còn tại các xã, trị trấn, có tổng số 95 trường hợp vi phạm, diện tích 20.023,3m2, đã xử lý 52 trường hợp.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện ghi nhận 33 trường hợp vi phạm về đất đai, trong đó 1 trường hợp thuộc thẩm quyền UBND huyện; 32 trường hợp thuộc thẩm quyền UBND xã, thị trấn. Đến nay, có 15 trường hợp đã được xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã tổ chức làm việc với các địa phương có phản ánh của công dân và các cơ quan báo chí về lĩnh vực đất đai để kiểm tra, xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm, tránh để tình trạng đơn thư vượt cấp.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, trong quý I/2023, số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là 3 trường hợp. Đến nay, đã xử lý 1 trường hợp. Các trường hợp vi phạm còn lại đang được UBND huyện chỉ đạo các cơ quan và UBND xã, thị trấn thiết lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn quản lý theo quy định. Huyện thành lập 2 Đoàn kiểm tra để kiểm tra các xã, thị trấn về việc quản lý, sử dụng đất công UBND xã quản lý và do UBND huyện cho hộ gia đình, cá nhân thuê.
Qua kiểm tra đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn khắc phục tồn tại, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; chỉ đạo nâng cao hiệu quả trong quản lý, xử lý vi phạm đất đai. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công.
Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Hồ Thị Na chia sẻ: Do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn xã, thị trấn chưa thực hiện sâu rộng, hiệu quả; diện tích đất nông nghiệp phần lớn chưa có thửa, tờ bản đồ; bất cập trong phương thức cho thuê thầu.
Một số công trình xây dựng trên đất nông nghiệp cho thuê không được cấp phép, không đúng với quyết định và hợp đồng thuê đất; công tác xử lý vi phạm chưa triệt để. Theo thống kê, huyện Hoài Đức có 290,415ha đất nông nghiệp công ích; 783,139ha diện tích đất công gồm đất công trình trụ sở cơ quan, đất văn hóa thể thao, y tế, công cộng.
Coi trọng công tác quy hoạch
Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Hồ Thị Na khẳng định: Quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện luôn được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Tại Quyết định số 5154/QĐ-UBND ngày 7/12/2021 của UBND TP, diện tích, cơ cấu các loại đất trên địa bàn huyện như sau: Tổng diện tích đất tự nhiên 8.492,02ha (đất nông nghiệp 1.295,61ha; đất phi nông nghiệp 7.196,41ha). Diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp 3.090,12ha; diện tích chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp 40,37ha; diện tích đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở 162,38ha...
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn, UBND huyện trình UBND TP phê duyệt điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Trong đó, bổ sung cải tạo, mở rộng 8 nghĩa trang tại các xã: Đông La, An Thượng, Song Phương, Dương Liễu…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết thêm: Công tác xử lý vi phạm đất đai, xây dựng, quản lý đất công và công tác quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả tích cực. Trong đó, có sự phối hợp giữa các phòng, ban và UBND xã, thị trấn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh đề nghị các cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn phải vào cuộc, tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, quản lý đất công.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý; tiến hành kiểm tra, theo dõi, nắm tình hình nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, giao các phòng, ban chuyên môn chủ trì, phối hợp với các xã, thị trấn triển khai xây dựng bản đồ vi phạm đất đai trên địa bàn bằng hình ảnh.
Xây dựng tổng thể quy hoạch đất đai gắn với quy hoạch xây dựng; có văn bản hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi cơ cấu cây trồng để công khai, tuyên truyền cho người dân biết, thực hiện đúng theo quy định. Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, tổng hợp trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.
“Từ đó thiết lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể đối với từng trường hợp. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt” - ông Anh nhấn mạnh.