Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoài Đức hướng tới nền hành chính hiện đại

Thạc sĩ Phùng Thị Ngọc Loan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu ngày càng hiện đại hóa nền hành chính, huyện Hoài Đức gần đây đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT không chỉ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành mà còn nhằm ngày càng gia tăng sự hài lòng của người dân khi đến giải quyết hồ sơ.

 Công chức BPMC UBND huyện Hoài Đức hướng dẫn công dân thực hiện DVCTT
Đến nay, trụ sở bộ phận một cửa (BPMC) huyện cho đến 100% xã, thị trấn từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị CNTT theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu giao dịch hành chính của công dân. UBND huyện thường xuyên công khai đầy đủ thông tin quy trình, hồ sơ, thời gian, mức thu phí của các thủ tục hành chính (TTHC) tại BPMC. Đáng chú ý, huyện đã và đang thực hiện tốt ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý điều hành, với tỷ lệ cao sử dụng email công vụ, 100% văn bản chỉ đạo được thực hiện qua phần mềm, 100% giấy mời được gửi online, không dùng bản giấy (trừ văn bản mật). Lãnh đạo các phòng, ban đều đăng ký chữ ký số. Mọi báo cáo, văn bản chỉ đạo đều chỉ in một bản có chữ ký, còn lại được scan bản gốc để gửi điện tử (có dấu đỏ).
Gần đây ra thực hiện TTHC tại các cơ quan huyện, xã, tôi thấy luôn được giải quyết nhanh, phục vụ tận tình, không có gì vướng mắc. Tôi cũng chỉ mong nếu người dân chưa hiểu rõ việc thực hiện TTHC nào thì được cán bộ hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Đắc Thắng, trú tại xã Yên Sở, Hoài Đức
Việc lãnh đạo huyện đẩy mạnh điều hành, chỉ đạo công việc qua phần mềm quản lý văn bản và email đang mang lại hiệu quả lớn trong quản lý Nhà nước tại huyện và các xã. Nhất là thời gian dịch Covid-19, tại cơ quan huyện và kể cả các xã cũng tuyên truyền người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để giao dịch hành chính. “Trước kia khi có họp, mỗi xã chỉ có lãnh đạo lên UBND huyện họp, rồi về xã phải có thêm một buổi phổ biến lại. Giờ đây, mỗi khi lãnh đạo huyện họp thì mọi thành phần cán bộ công chức xã có thể dự tại trụ sở UBND xã, rồi lãnh đạo xã ngồi lại giao nhiệm vụ cho mọi người là xong” - Phó Trưởng Phòng VH - TT huyện Nguyễn Viết Thanh cho biết.
Cùng với tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động chỉ đạo, điều hành, đến nay tỷ lệ hồ sơ hành chính từ huyện đến xã được thực hiện theo DVCTT mức độ 3 đều đạt 100% với những TTHC trong danh mục quy định. Trong đó, tỷ lệ người dân tự thực hiện đạt gần 70%, thậm chí một số xã Song Phương, Cát Quế, Kim Chung… đạt trên 80%. Dù vậy, ông Nguyễn Viết Thanh kiến nghị tăng cường ứng dụng mạng xã hội như trên nền tảng zalo để người dân thực hiện DVCTT trên đó cho tiện (hơn 20 tỉnh, TP đang áp dụng); tăng bố trí ngân sách cho cơ sở, nâng cấp máy móc, đường truyền - công cụ để thực hiện chính quyền điện tử.
Đồng quan điểm này, công chức BPMC huyện Hoài Đức Nguyễn Hữu Thủy còn đề xuất tăng cường tuyên truyền DVCTT cho giới trẻ và giảm tải thành phần hồ sơ, thủ tục rườm rà để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT, bởi hiện một số lĩnh vực (địa chính, xây dựng...) có quá nhiều thành phần hồ sơ không cần thiết, khi nhập trực tuyến mất rất nhiều thời gian.