Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoài Đức phát triển nông sản thế mạnh

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, song huyện Hoài Đức luôn coi trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương.

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hoài Đức đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như: Vùng nhãn muộn 97ha tại An Thượng, Đông La, Song Phương; vùng bưởi đường 40ha tại Cát Quế, Đông La; cam Canh, phật thủ 95ha tại Đắc Sở, Yên Sở; rau an toàn 71ha ở Tiền Yên.
 Chăm sóc rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Để nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, Hoài Đức đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản, chú trọng tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất... Nhờ vậy, giá trị thu nhập của nhiều vùng sản xuất được gia tăng rõ rệt, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha canh tác.
Trong đó, 2 sản phẩm nhãn chín muộn và bưởi đường Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể; 20ha bưởi Quế Dương và 20ha nhãn chín muộn đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Để giải bài toán đầu ra cho nông sản, huyện Hoài Đức đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản. Thông qua các tổ chức, đoàn thể, huyện hỗ trợ cho nông dân tham gia nhiều hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Hiện, sản phẩm nông sản của huyện được tiêu thụ trên khắp cả nước, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như mở rộng cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân. Hoài Đức là một trong số ít các huyện của TP có chính sách khuyến khích, tập hợp nông dân giỏi để thành lập các hiệp hội ngành nghề trong nông nghiệp như: Hội nhãn chín muộn Hoài Đức, Hội bưởi đường Quế Dương. Đây là những diễn đàn kết nối nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho hay, không riêng huyện Hoài Đức, một khi nông sản của các tỉnh, thành trong cả nước đã tham gia vào thị trường rộng lớn là phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, như vậy phải phát triển hệ thống nông nghiệp đồng bộ. Theo đó, huyện xác định, trong sản xuất nông nghiệp phải đặt chất lượng nông sản lên hàng đầu thì mới cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất có liên kết tiêu thụ để gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng cơ chế đủ mạnh thu hút các DN đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm giải quyết tốt hơn nữa đầu ra cho nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững trong tương lai.