Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoán cải xe khách cũ thành xe chở hàng: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định hiện tại cho phép đăng kiểm cho xe khách cũ thành xe chở hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần siết chặt quản lý đối với hoạt động này vì xe cũ đồng nghĩa với hệ số an toàn áp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Nhiều trường hợp xe khách cũ được cải tạo thành xe tải. Ảnh: Kỳ Phong
Nở rộ dịch vụ hoán cải xe
Thời gian gần đây, trên đường phố chúng ta không khó bắt gặp những trường hợp ô tô loại 16 – 24 chỗ từng được dùng làm xe khách được hoán cải thành xe chở hàng. Chủ xe đã tháo bỏ hoàn toàn hệ thống ghế ngồi để tạo thành khoang chở hàng. Tình trạng này mang đến nhiều hoài nghi và hoang mang cho người đi đường. Không ít người bày tỏ quan ngại về sự an toàn mà những chiếc xe chở hàng được hoán cải từ xe khách.

Anh Lê Đình Đồng (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết: “Trên đường 70 (tức Tỉnh lộ 70) tôi thường bắt gặp nhiều xe khách cũ được sử dụng làm xe tải chở hàng. Những chiếc xe này trông rất cũ kỹ, ọp ẹp tạo cảm giác rất không an toàn”. Theo anh Đồng, cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ những trường hợp xe khách hoán tải thành xe chở hàng này để đảm bảo an toàn giao thông. “Theo tôi được biết những xe hết niên hạn sử dụng phải đem đi hủy. Những trường hợp xe tải hoán cải từ xe khách này, tôi không biết đã “hết đát” chưa nhưng đã là xe cũ, qua một thời gian dài sử dụng với mục đích chở người thì khi không chở người được nữa nên cấm không cho chuyển đổi công năng như vậy” – anh Đồng nhận định.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, quy định về cải tạo xe cơ giới hiện hành cho phép một số trường hợp xe chở người được thay đổi kết cấu, hình dáng và công năng của xe. Trong đó, xe ô tô chở người có từ 16 chỗ ngồi (kể cả người lái) trở xuống được cải tạo kết cấu để chuyển đổi thành xe ô tô tải Van; xe ô tô chở người cũng được cải tạo thành xe cứu thương... Tuy nhiên, những trường hợp muốn cải tạo phải thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành, được trung tâm đăng kiểm kiểm định và cấp chứng nhận đăng kiểm đối với xe sau cải tạo và đổi biển số đăng ký. Đặc biệt, pháp luật hiện hành cấm không được cấp phép cải tạo đối với xe đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, tính từ năm sản xuất. Tất cả những trường hợp chủ xe tự ý tháo ghế và chuyển từ chở người thành xe chở hàng hóa sẽ không được cấp đăng kiểm, khi lưu thông sẽ bị xử phạt.

Tìm hiểu trên thị trường hiện nay, dịch vụ hoán cải xe khách cũ thành xe chở hàng đang khá phổ biến. Một số trang như otoso1.com.vn; xevivu.vn; hoancaixe.com; muabanxekhach.com.vn... đều đăng tải những dòng quảng cáo nhận hoán cải xe khách cũ thành xe tải. Đơn cử như tại website muabanxekhach.com.vn đăng tải dòng quảng cáo rất “kêu”: “Chuyên hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm, sang tên chính chủ cho tất cả các dòng xe ô tô. Hoán cải xe, làm hạ tải cho xe tải (đăng ký khớp với đăng kiểm) với thủ tục nhanh gọn”. Tương tự, trên website otoso1.com.vn cũng có dòng quảng cáo “Dịch vụ hoán cải, cải tạo xe khách 16 chỗ thành xe Van 3 chỗ, 6 chỗ” đồng thời nhấn mạnh “khi hoán cải thành xe tải Van sẽ được tăng thêm 5 năm sử dụng (tổng thời hạn sử dụng phương tiện là 25 năm kể từ năm sản xuất)”.

Quy định dễ bị lợi dụng

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, tình trạng sử dụng xe hết niên hạn sử dụng và xe hoán cải trái phép lưu thông trên đường vẫn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng núi nơi có nhiều mỏ vật liệu xây dựng, nhiều điểm trung chuyển buôn bán hàng hóa, nông sản. "Quy định cho phép xe khách cũ (không quá 15 năm) được cải tạo thành xe tải chở hàng và những chiếc xe được cải tạo đúng quy định sẽ được đăng kiểm. Tuy nhiên, ai dám chắc chắn tất cả những trường hợp xe khách hoán cải thành xe tải đang hoạt động ngoài đường đều đúng quy định và được đăng kiểm?” – ông Thanh đặt câu hỏi và nhấn mạnh, cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn những trường hợp xe không đảm bảo an toàn hoặc cố tình hoán cải sai quy định nhưng vẫn lưu thông trên đường.

Thực tế, những năm qua, đã có không ít vụ tai nạn giao thông do xe hoán cải gây ra. Đơn cử như năm 2015, xe khách hoán cải thành xe tải thùng kín BKS 14N – 2012 gây tai nạn liên hoàn với xe Toyota Camry BKS 30A 811.32 và đẩy chiếc xe này va vào xe ô tô khách 45 chỗ BKS 14B - 014.14 tại khu vực cầu Bãi Cháy. Vụ tai nạn đã khiến một người ngồi hàng ghế phía sau cùng trên xe khách tử vong tại chỗ và một số hành khách khác bị thương. Gần đây nhất, vào cuối năm 2019, chiếc xe khách BKS 60V - 8429 làm rơi 2 học sinh lớp 4, trường Tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xảy ra trên QL1. Kết quả kiểm tra cho thấy chiếc xe này đã bị hoán cải trái phép nhằm mục đích chở được nhiều học sinh hơn. Thậm chí, chủ xe dùng dây dù để giằng buộc những chiếc ghế lại với nhau. Bên cạnh đó, phần chốt cửa phía sau xe cũng bị chế độ sơ sài...

Trước vấn đề đáng lo ngại nêu trên, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, phải giám sát chặt những trường hợp xe hoán cải lưu thông trên đường, bởi thực tế ghi nhận không ít vụ tai nạn do xe hoán cải trái phép gây ra.
Những trường hợp xe khách hoán cải gây tai nạn trong thời gian qua chứng tỏ cho dù quy định cho phép cải tạo xe khách cũ thành xe chở hàng nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp lợi dụng quy định này để tự ý cải tạo hoặc cải tạo trái phép rồi đưa xe lưu thông trên đường. Điều này gây nguy hiểm cho những phương tiện khác và người đi đường.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy