Hoàn Kiếm: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 - 18/12/2022), ngày 22/12/2022, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức chương trình giao lưu các nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Những ngày này 50 năm trước, cùng với các tỉnh, thành phố phía bắc, Hà Nội phải hứng chịu những cuộc tấn công điên cuồng bằng không quân của đế quốc Mỹ, với âm mưu "đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá".

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quận Hoàn Kiếm
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quận Hoàn Kiếm

Với bản lĩnh, ý chí quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” quân thù, cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nên ngay từ trận đầu ra quân, đêm ngày 18/12/1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ “Siêu pháo đài bay” B.52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó.

Trong 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội sát cánh cùng các lực lượng, các địa phương đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 chiếc siêu pháo đài bay B.52, bắt nhiều phi công Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, gây chấn động toàn thế giới.

Tại Lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long ôn lại, cuối năm 1972, Hoàn Kiếm là khu trung tâm văn hóa, kinh tế, thương mại của Hà Nội, nơi có nhiều trụ sở của các cơ quan trung ương, thành phố, các điểm giao thông quan trọng, mật độ dân số đông nhất nên được xác định sẽ có nhiều mục tiêu bị máy bay Mỹ đánh phá trong cuộc tập kích bằng đường không.

Quang cảnh buổi lễ
Quang cảnh buổi lễ

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, chính quyền khu Hoàn Kiếm nhanh chóng chuyển mọi hoạt động sang thời chiến.

Tính đến cuối năm 1972, trên địa bàn đã sửa chữa, tu tạo và đào mới được 1.302 hầm tập thể, 20.579 hố cá nhân và 579m giao thông hào. Người dân tại các trọng điểm được xác định là mục tiêu đánh phá của địch, các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp được vận động sơ tán ra vùng xung quanh. Lực lượng khắc phục hậu quả như: Cứu sập, công binh, bảo đảm giao thông, cứu thương, cứu hỏa đều được củng cố về tổ chức, tăng cường trang bị, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Lực lượng tự vệ được phát triển lên 11.000 người, không ngừng tập luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và được trang bị vũ khí có khả năng chiến đấu cao. Bên cạnh những trận địa súng 12,5 ly và 14,5 ly, khu Hoàn Kiếm còn có hàng chục trận địa súng trung liên, đại liên đặt trên các nóc nhà cao tầng.

Liên tiếp các ngày từ 18 đến 22/12/1972, máy bay B.52 của Mỹ đánh phá ác liệt xuống địa bàn Hoàn Kiếm. Quân, dân Hoàn Kiếm cùng cả Thủ đô sục sôi chiến đấu. Trên trời cao không quân Việt Nam xuất kích, chặn đánh máy bay tiêm kích, cường kích và B.52 của địch. Dưới mặt đất, lưới lửa phòng không tầm cao, tầm thấp giăng kín cả bầu trời. Các trung đội phòng không 12,5 ly và 14,5 ly ngày đêm túc trực, kịp thời góp lưới bủa vây máy bay tầm thấp của địch khi chúng đến gần.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại buổi lễ
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại buổi lễ

Đêm 22/12, tự vệ Nhà máy Gỗ Hà Nội đã phối hợp với tự vệ khu Hai Bà Trưng bố trí trận địa phục kích nổ súng kịp thời, bắn rơi 1 máy bay F-111 hiện đại nhất của Mỹ. Nhiều đơn vị thể hiện tinh thần giữ vững vị trí chiến đấu, phục vụ chiến đấu giúp cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo đánh địch kịp thời như: Đài quan sát của tự vệ Phòng Tài chính, Đại đội Pháo 100 ly, Xí nghiệp Bánh mứt kẹo, gỗ Bạch Đằng, Nhà máy Ô tô 1-5, Nhà in Tạp chí học tập, Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Long Biên, Hợp tác xã Vận tải Hoàn Kiếm.

Công ty Cầu đường luôn giữ vững mạch máu giao thông. Phòng cấp cứu 5 ngày đêm khẩn trương phục vụ cứu sống nhiều người bị thương. Lực lượng y tế tuyến 1, tuyến 2, các thầy thuốc Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Viện Bảo vệ bà mẹ trẻ em tận tụy tham gia khắc phục hậu quả sau các đợt Mỹ ném bom.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261; nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng PK-KQ2; Đại tá Nguyễn Trường Kỳ, đơn vị E75, Cục II, Bộ Tổng tham mưu - nhân chứng lịch sử; bà Bùi Thị Cầu,ntham gia Đội tự vệ HTX Đông Thành, Ba Đình - nhân chứng lịch sử và đại diện tuổi trẻ - Bí thư Quận Đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền tham gia chương trình giao lưu đặc biệt 
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261; nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng PK-KQ2; Đại tá Nguyễn Trường Kỳ, đơn vị E75, Cục II, Bộ Tổng tham mưu - nhân chứng lịch sử; bà Bùi Thị Cầu,ntham gia Đội tự vệ HTX Đông Thành, Ba Đình - nhân chứng lịch sử và đại diện tuổi trẻ - Bí thư Quận Đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền tham gia chương trình giao lưu đặc biệt 

Công nhân viên Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội giữ vững đường dây thông suốt bảo đảm cho công tác lãnh đạo của thành phố và phục vụ báo động phòng không cho nhân dân. Qua chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Những chiến công và đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Hoàn Kiếm đã tạo nên sức mạnh cùng với quân dân Thủ đô làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện để hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quang cảnh chương trình giao lưu
Quang cảnh chương trình giao lưu

50 năm đã qua, chiến thắng lịch sử này để lại nhiều bài học vô cùng quý giá, khơi dậy ý chí, niềm tin, sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng giàu đẹp, thanh lịch, văn minh, xứng đáng với truyền thống Liên khu I Anh hùng.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh, hơn 60 năm xây dựng và phát triển của quận Hoàn Kiếm, phát huy truyền thống cách mạng, cán bộ và nhân dân trong quận luôn đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quận ngày càng phát triển, xứng đáng với vị thế quận trung tâm của Thủ đô. Đặc biệt năm 2021, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm đã vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long tặng hoa các khách mời chương trình giao lưu
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long tặng hoa các khách mời chương trình giao lưu

Tính đến tháng 11/2022, tổng mức doanh thu ngành thương mại, dịch vụ của quận tăng 16,5%, trong đó, doanh thu ngành du lịch tăng 361,8%, lưu trú - ăn uống tăng 93,6% và doanh thu dịch vụ khác tăng 24,9%. Quận đã hoàn thành toàn diện các mặt công tác 17/17 chỉ tiêu thành phố giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận đạt 11.674 tỷ đồng, bằng 103,8% dự toán... Đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh và thực hiện tốt việc chăm lo đời sống các đối tượng chính sách trên địa bàn quận.

Thay mặt Quận uỷ - HĐND - UBND - UB MTTQ quận, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhiệt liệt biểu dương và bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới 207 đồng chí là cán bộ Tiền khởi nghĩa, thương, bệnh binh, các bác, các cô/chú đang sinh sống trên địa bàn quận đã trực tiếp tham gia, đóng góp sức mình vào sự thành công lịch sử trong trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; các đồng chí, các bác, các cô/chú là nhân chứng sống, là những tấm gương tiêu biểu khơi dậy trong nhân dân quận Hoàn Kiếm niềm tự hào về truyền thống của quận.

Hoàn Kiếm: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Ảnh 1
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long bày tỏ, Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, làm sống lại những ngày tháng hào hùng mà cha, anh chúng ta đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta soi mình, nhắc nhở phải phấn đấu rèn luyện, học tập, lao động và cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.

Chương trình văn nghệ đặc sắc
Chương trình văn nghệ đặc sắc

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đề nghị các cấp, các ngành trong quận Hoàn Kiếm và đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ cha, ông, xây dựng Quận Hoàn Kiếm ngày càng giàu đẹp, thanh lịch, văn minh.