KTĐT - Sáng 28/10, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Cần Thơ đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu (NTSH). Trước đó, từ ngày 11 đến ngày 15/8/2009, TAND huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đã xét xử sơ thẩm vụ án “lập quỹ trái phép” tại nông trường Sông Hậu.
Theo bản án hình sự sơ thẩm số 25 của tòa sơ thẩm, bà Trần Ngọc Sương (nguyên Giám đốc NTSH) bị cáo buộc vai trò “chủ mưu” lập quỹ, bị tuyên phạt 8 năm tù giam và phải bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng. Các bị cáo khác trong vụ án gồm bà Trương Hồng Nhung (nguyên Phó GĐ NTSH) bị tuyên phạt 6 năm tù giam; ông Đặng Thế Quốc Hưng (nguyên kế toán NTSH) bị tuyên phạt 4 năm tù giam; ông Nguyễn Văn Sơn (nguyên thủ quỹ NTSH) bị tuyên phạt 3 năm tù giam; bà Hoàng Thị Bình (nguyên kế toán NTSH) bị tuyên phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 36 tháng.
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, bốn bị cáo: Trần Ngọc Sương, Trương Hồng Nhung, Đặng Thế Quốc Hưng, Nguyễn Văn Sơn đã làm đơn kháng cáo. Ngày 19-8-2009, bà Trần Ngọc Sương có bản kháng cáo gửi lên Tòa phúc thẩm, TAND thành phố Cần Thơ, ngày 29-8 bà Sương gửi bản kháng cáo bổ sung lần 1, và ngày 24/10 gửi bản kháng cáo bổ sung lần 2.
Trong nội dung kháng cáo bổ sung lần 2, bà Trần Ngọc Sương đề nghị tòa phúc thẩm hủy bỏ Quyết định số 01/2009/HSST.QĐ của Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ. Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ đã vi phạm một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, áp dụng không đúng quy định tại điều 104, Bộ luật tố tụng hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra đã có văn bản trả lời là không có căn cứ để khép vào tội tham ô, nhưng tòa án nhân dân huỵen Cờ Đỏ vẫn “xử lấy được”. Việc áp dụng Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự của Hội đồng xét xử TAND huyện Cờ Đỏ để ban hành Quyết định yêu cầu khởi tố vụ án hình sự cũng không bảo đảm tính hợp pháp.
Quá trình xét xử sơ thẩm vi phạm nhiều quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó có các quy định đặc biệt quan trọng về yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, về giới hạn xét xử, về nghị án ( Biên bản nghị án được viết ngay khi khai mạc phiên tòa, một sự cố tình định tội ngay từ trước khi xét xử).
Lý do thứ hai được đưa ra để hoãn phiên tòa phúc thẩm là một trong số các luật sư bào chữa cho bà Trần Ngọc Sương, ông Nguyễn Đăng Trừng (Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) trước đó đã có đơn đề nghị hoãn phiên tòa vì ông Trừng không thể có mặt do đang bận tham gia kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 12. Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Thành, cùng là luật sư bào chữa cho bà Sương trong vụ án này, cũng có đơn cáo bận.
Trong một diễn biến khác, bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), người bị cáo buộc vai trò “chủ mưu” trong vụ án này hiện đang phải nhập viện cấp cứu tại TP. Hồ Chí Minh, nên cũng đã có đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.