Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn tất chuyển giao vốn về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước: Phía trước còn khó khăn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, liên tục chứng kiến các cuộc chuyển giao vốn DN của các Bộ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN). Tính tới thời điểm này, Ủy ban này đã kết thúc quá trình tiếp nhận tại 19/19 tập đoàn, tổng công ty (TCT) Nhà nước.

Đầu xuôi...
Cụ thể “siêu Ủy ban” tiếp nhận 1 DN của Bộ Tài chính là SCIC vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, 5 DN của Bộ GTVT (vốn chủ sở hữu Nhà nước khoảng 49.000 tỷ đồng); 2 DN của Bộ TT&TT là VNPT và MobiFone, giá trị vốn Nhà nước 83.629 tỷ đồng; 5 DN của Bộ NN&PTNT( 50.000 tỷ đồng). Riêng Bộ Công Thương 6 DN là PVN, EVN, TKV, Petrolimex, Vinachem và Vinataba có số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng, (tương đương 1/2 tổng số vốn Nhà nước mà “siêu ủy ban” nắm giữ tại 19 TCT, DN).
 Giao dịch tại chi nhánh của Mobifone ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước của 7 tập đoàn, 12 TCT được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng (tương đương gần 50% tổng giá trị vốn Nhà nước và tài sản của khu vực DN Nhà nước).

Việc chuyển giao DN về UBQLVNN xuất phát từ chủ trương tách bạch chức năng sở hữu và quản lý của các bộ, ngành tại DN. Tuy vậy, phần giao vốn chỉ là bước đầu, cũng chưa đủ tạo thế “đầu xuôi, đuôi lọt” cho UBQLVNN bắt tay thực hiện nhiệm vụ được giao.

"UBQLVNN đã nghiên cứu xây dựng phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả DN để kết nối trực tiếp với các DN được giao quản lý. Bộ Chỉ số bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành/lĩnh vực, có xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của DN đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước theo quy định hiện hành. " - Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLVNN cho biết, sau khi tiếp nhận các tập đoàn và TCT, cơ quan này sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các DN theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó. Điều quan trọng là, Ủy ban quản lý phải làm sao để “bảo toàn và phát triển vốn” như những gì Thủ tướng đã chỉ đạo và đặt niềm tin. 
Đuôi chưa lọt

Nhiệm vụ phía trước còn khó khăn, không hề đơn giản, đó là thách thức hàng loạt dự án, kế hoạch của các tập đoàn, TCT Nhà nước đang trong giai đoạn tái cơ cấu dở dang, phải xử lý, nhiều dự án chậm trễ, kém hiệu quả... Đối với MobiFone, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, đáng lẽ DN này có lộ trình cổ phần hóa (CPH) trong năm 2018, tuy nhiên, do những vướng mắc với thương vụ AVG nên bị chậm lại. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban và Bộ TT&TT phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc để CPH DN trong thời gian tới. Hoặc như yêu cầu của Chính phủ là VNPT và MobiFone phải mạnh hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Hay như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua do kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm, 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế gần 3.500 tỷ đồng tại PVC thời Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Ủy ban có DN đang thua lỗ hoặc khó khăn như Vinalines, Vinachem (Tập đoàn Hóa chất), Vinafood II; những DN hiệu quả kinh doanh chưa cao như Vinacafe, Tập đoàn Cao su (VRG)...

Theo Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế T.Ư) Hoàng Trường Giang, nhiều DN thua lỗ của ngành công thương phải xử lý dứt điểm trước năm 2020; 4/19 tập đoàn, TCT thua lỗ (theo mục tiêu của Nghị quyết 12 phải xử lý trước năm 2020) cũng đang đặt UBQLVNN vào một thử thách không nhỏ, trong khi Ủy ban chưa được giao quản lý nguồn vốn từ CPH và thoái vốn DNNN, lợi nhuận để lại có nguồn lực thực hiện được mục tiêu đến năm 2030. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng, bản thân UBQLVNN cần nâng cao năng lực quản lý và có các nguồn lực mạnh để thực hiện tốt vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DN sau chuyển giao, kể cả các nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho DN khi cần thiết.

Việc hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu DNNN trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang là thách thức lớn. Các chuyên gia đánh giá, nếu không có một quyết tâm cao, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp đặt ra thì khó mà hoàn thành được mục tiêu tái cơ cấu DNNN đặt ra trong kế hoạch. Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hoạt động hiệu quả, vấn đề nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người và công nghệ cần phải được xem trọng. Cùng với đó, quy trình phê duyệt phương án CPH và thoái vốn hiện nay khá lâu, cần tiếp tục cải tiến, trong đó đặc biệt chú trọng đến cách thức định giá DN, có các phương pháp thoái vốn hoặc CPH phù hợp với từng DN cụ thể.

"Cần đặt mục tiêu phát triển, quản trị cho từng DNNN trực thuộc. Chẳng hạn, cần đặt chỉ tiêu cao, cụ thể như tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm trong 3 năm tới, hay trong số 20 tập đoàn phải có 3 - 4 tập đoàn phải đạt chuẩn của thế giới, hay khu vực về quy mô và năng lực quản trị. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát vốn, tài sản DNNN, từng tập đoàn, TCT sẽ tạo điều kiện, tạo môi trường kinh doanh cho tập đoàn, mà không gây phiền hà cho đơn vị.' - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung