70 năm giải phóng Thủ đô

Hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng

Đức Toàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh”.

Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện quốc gia trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và phân công các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.

Ông Đặng Hoàng An –Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu đồng chủ trì
Ông Đặng Hoàng An –Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu đồng chủ trì

Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chuyển dịch năng lượng và từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính chính là quá trình căn bản để hướng tới tăng trưởng xanh, cũng như thực hiện các mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương đồng chủ trì chương trình
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương đồng chủ trì chương trình

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện 8. Đây là các văn bản định hướng quan trọng, mang tính thiết lập nền tảng cho một hệ thống năng lượng hiện đại, cơ cấu bền vững, có độ tin cậy cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, 2 mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung hạn và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; đảm bảo người dân và cả nền kinh tế có thể tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển và khả năng thực tế của Việt Nam.

Các diễn giả đến từ các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và từ các tổ chức quốc tế: Đại sứ quán Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức GGGI tại Việt Nam tham gia Tọa đàm tập trung về nội dung chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh trong bối cảnh toàn cầu mới. Thông tin đưa ra mang tính tổng hợp, nhiều chiều, cập nhật nhất để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Hội nghị COP 26 vừa qua.

Toàn cảnh chương trình
Toàn cảnh chương trình

Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí…