Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện chính sách phát triển chăn nuôi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi lớn và phát triển nhanh thuộc top đầu của cả nước. Trong giai đoạn tới, chăn nuôi vẫn là lĩnh vực được TP quan tâm, hỗ trợ phát triển.

Tiến tới cơ cấu lại chăn nuôi
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó, riêng chăn nuôi chiếm khoảng 53%. TP đã hình thành được 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 5.351 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa và nhỏ ngoài khu dân cư. Cùng với vật nuôi thương phẩm, hàng năm, TP sản xuất trên 55.000 con bê giống, gần 4 triệu con lợn giống và trên 100 triệu giống gia cầm, thủy cầm…
Chăm sóc đàn lợn trong một trang trại tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn
Dù có những bước chuyển mạnh mẽ những năm gần đây, tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 60%. Giá thuê đất cao, chưa thu hút được các DN đầu tư cho chăn nuôi và xây dựng các cơ sở giết mổ. Các chuỗi liên kết nhìn chung còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, công tác quản lý giống vật nuôi cũng chưa đồng bộ…

Trong giai đoạn tới, TP đã xác định sẽ cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực; đưa sản xuất con giống là lĩnh vực sản xuất chủ lực của ngành chăn nuôi. Cùng với đó, tập trung cơ cấu lại phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, phát triển mạng lưới hệ thống giết mổ, sơ chế các sản phẩm gia súc, gia cầm…

Xây dựng chính sách đặc thù

Để đạt được các mục tiêu phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, TP đang tập trung xây dựng một loạt chính sách đặc thù, hướng tới đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Theo định hướng của ngành NN&PTNT, Hà Nội sẽ chú trọng hỗ trợ mua giống gia súc, gia cầm nhập ngoại có năng suất, chất lượng cao. Hỗ trợ cơ sở lưu giữ, sản xuất giống gốc gà mía Sơn Tây, giống Vịt cỏ Vân Đình. Bổ sung nguồn kinh phí để duy trì hoạt động hệ thống thú y cơ sở nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm một lần cho xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; chế phẩm sinh học sát khuẩn, khử mùi, xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Các chợ đầu mối chuyên ngành và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản cũng sẽ được nâng cấp.

Để đạt mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đến năm 2025. Các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng chính sách đặc thù phát triển chăn nuôi, đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2040. Bên cạnh đó, ưu tiên các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi cho Hà Nội. Đặc biệt là các chương trình về phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến sâu các sản phẩm. Kêu gọi các DN vào đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp để phát triển lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn TP…