Nhiều ý kiến cho rằng cần phải thêm nội dung minh bạch hóa hoạt động của Ban quản trị chung cư trong các điều khoản của luật.
Đua chen ứng cử
Trước đây, ông Hoàng Văn Thức - Trưởng Ban quản trị một tòa nhà chung cư tại phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) làm công tác văn phòng tại một DN quốc doanh. Sau khi nghỉ hưu gần 10 năm qua, ông đã tham gia tích cực vào hoạt động của Ban quản trị tại tòa nhà chung cư gia đình đang sinh sống.
Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn muốn tiếp tục tham gia công tác này. “Cuối năm nay sẽ hết nhiệm kỳ của Ban quản trị. Tôi sẽ tiếp tục ứng cử làm Trưởng ban, bây giờ tuổi già cứ ngồi ở nhà không thì buồn lắm” - ông Thức chia sẻ.
Tình trạng xung đột giữa cư dân và Ban quản trị chung cư đang diễn ra âm ỉ tại nhiều nơi. Ảnh: Doãn Thành |
Ông Trần Văn Diến (67 tuổi), thành viên Ban quản trị một tòa nhà chung cư tại phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, từ khi thành lập, Ban quản trị đã làm rất tốt trách nhiệm của mình. “Trong nhiệm kỳ sắp tới, tôi sẽ tiếp tục ứng cử vào Ban quản trị để hỗ trợ bà con, vì đã quen việc ở đây rồi. Nếu đổi người mới sẽ mất thời gian bàn giao và làm quen với công việc” - ông Diến nói.
Sự thật này không chỉ ở một, hai chung cư mà là câu chuyện tại nhiều chung cư (đặc biệt là chung cư thương mại) hiện nay. Trước đây, các Ban quản trị là nơi những người hưu trí chấp nhận hao công, tốn sức để hỗ trợ cộng đồng, làm việc để lấy niềm vui.
Song hiện tại, khi các Ban quản trị được pháp luật công nhận và được đại diện để quản lý, sử dụng số tiền khổng lồ từ nguồn quỹ bảo trì, việc tự ứng cử để tham gia Ban quản trị đã khác rất nhiều.
Thời gian gần đây, trong khi các cơ quan chức năng chưa tìm ra phương cách để giải quyết một cách thấu đáo những xung đột giữa chủ đầu tư và cư dân các dự án chung cư liên quan đến việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, thì tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục xảy ra khá nhiều cuộc “nội chiến” giữa cư dân với Ban quản trị tòa nhà (những người mà do chính cư dân bầu ra).
"Việc giao quyền quản lý quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư không ai dám chắc là với số tiền lớn như vậy sẽ không phát sinh tiêu cực. Hơn nữa, phần lớn những thành viên của các Ban quản trị đều là những người già, người nghỉ hưu, mặc dù có sự nhiệt tình nhưng không phải ai cũng có chuyên môn về xây dựng, kỹ thuật. Do đó, không ai dám chắc là sẽ không xảy ra thất thoát tài chính khi họ tham gia công tác thu chi cho việc bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà." - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng |
Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Tuấn Trường - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho biết, hiện nay, trên trang Facebook có nhiều nhóm kín đang hoạt động chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm ứng cử vào vị trí Ban quản trị chung cư và coi đây là một công việc “béo bở” để kiếm tiền từ nguồn ngân quỹ được sử dụng chung.
“Ngoài phần thù lao chính và các khoản chi phí phụ cấp, đã xuất hiện tình trạng một số ban quản trị bắt tay với các đơn vị bảo dưỡng - bảo trì để lấy tiền chênh lệch và hưởng hoa hồng. Có những người sau khi làm hết một hoặc hai nhiệm kỳ lại chuyển chỗ ở mới, mang theo một bộ hồ sơ hoành tráng về bản thân để có điều kiện tiếp tục công việc này” - ông Trường nói.
Cũng theo ông Vũ Tuấn Trường, hiện nay, xuất hiện rất nhiều người đang coi việc được vào Ban quản trị tòa nhà là một “nghề” để kiếm sống. Vì vậy đã xảy ra tình trạng đua chen ứng cử vào vị trí này. Ngoài ra, cũng có một số cá nhân muốn ứng cử vào với mục đích chống phá, gây mâu thuẫn nội bộ.
Luật hóa trách nhiệm
Tại buổi tọa đàm “Vận hành bất động sản đa sở hữu: Đi tìm tiếng nói đồng thuận” diễn ra mới đây, các chuyên gia tỏ ra lo ngại về việc tranh chấp giữa cư dân với Ban quản trị chung cư.
Nhiều Ban quản trị do tập hợp những người không có chuyên môn quản lý, trong khi đó lại được giao đảm nhận những công việc vượt quá khả năng của mình, dẫn đến sự không đồng thuận trong cư dân. Đáng quan ngại hơn, tình trạng mâu thuẫn còn xảy ra giữa các thành viên trong Ban quản trị vì bất đồng ý kiến.
Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải thay đổi thể chế cho Ban quản trị chung cư. Mặc dù hệ thống pháp luật hiện tại đã có hành lang pháp lý cho quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện để đồng bộ với các văn bản khác trong hệ thống luật.
“Ban quản trị được đánh giá là yếu tố chính trong hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư. Do đó, trước hết, cần các quy định pháp luật để đảm bảo và hướng đến hoạt động của Ban quản trị tốt hơn về chuyên môn. Phải có cơ chế tự sàng lọc những người không đủ năng lực trên thực tế như không tham gia đầy đủ hoạt động, ứng xử không phù hợp, hoạt động không tốt…” - Luật sư Phượng cho hay.
Theo các chuyên gia, Luật Nhà ở năm 2014 đã công nhận sự tồn tại hợp pháp của Ban quản trị chung cư nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quy định về nhiệm vụ, chứ chưa thực sự rõ ràng về trách nhiệm của tổ chức này.
“Vì vậy, phải có quy định rõ ràng về việc công khai bằng các hoạt động cụ thể như kiểm tra, giám sát các hoạt động, tài liệu, hợp đồng, sổ sách… quy định cụ thể về các hình thức, phạm vi, nội dung công khai. Bên cạnh đó, phải có các quy định về kiểm soát hoạt động và trách nhiệm từng thành viên của Ban quản trị, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động” - Luật sư Trần Đức Phượng cho biết thêm.