Theo thống kê của Sở Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2015, TP thực hiện sắp xếp, đổi mới 71 DNNN thuộc UBND TP, trong đó CPH 56 DN. Còn lại ở các hình thức sắp xếp khác như: Bán 2 DN (đã thực hiện được 1 DN), phá sản 3 DN (đã thực hiện 2 DN), chuyển 1 DN thành đơn vị sự nghiệp và sáp nhập 9 DN (đã hoàn thành với 8 đơn vị). Trong số 56 DN đã được phê duyệt giá trị DN và phương án CPH, tính đến hết tháng 8/2016, đã có 45 DN được TP ban hành quyết định chuyển sang công ty cổ phần, còn lại 11 DN đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quy trình CPH. Riêng Công ty TNHH MTV Haprosimex đã được TP phê duyệt phương án tái cơ cấu để chuyển sang công ty cổ phần.
Lãnh đạo Sở Tài chính cũng cho biết, trong quá trình CPH, có 20 DN đã thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tổng số vốn 2.557 tỷ đồng; 40 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu thông qua Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Cũng trong giai đoạn 2011 - 2015, UBND TP đã hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại 51 DN với tổng giá trị thực tế bán được là 1.654 tỷ đồng, tăng 874 tỷ đồng so với kế hoạch.
Qua nhận định của các sở, ngành và Đoàn giám sát cũng đồng tình, Hà Nội đã cơ bản đạt mục tiêu của công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước. Qua đó, huy động, thu hút được các nguồn vốn xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường... Đồng thời, đổi mới phương thức quản lý, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập. Hoạt động của các DN có sự tăng trưởng và phát triển. Như tại các công ty cổ phần do TP nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, năm 2015, tất cả đều kinh doanh có lãi, với tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 216 tỷ đồng…
Hà Nội đã rất minh bạch trong bán cổ phần, không xảy ra kiện cáo trong quá trình CPH. Nhưng cũng bởi vẫn thiếu những quy định pháp lý, nên hiện vẫn đang loay hoay với mô hình quản lý phần vốn Nhà nước, đại diện chức năng quản lý, khiến cho việc đạt được đồng thời tất cả các mục tiêu CPH là rất khó.
Từ thực tế giám sát, Đoàn cũng chỉ ra, hiện có nhiều đơn vị sau CPH nhưng chưa họp được cổ đông, hoặc thời gian từ phê duyệt phương án đến chuyển sang được công ty cổ phần vẫn quá dài (khoảng 2 năm). Cùng với một số DN hoạt động rất tốt, có chiến lược rõ ràng, vẫn có những DN hầu như không chuyển về chất, chưa đạt được phương án CPH như Công ty CP Cấp nước Sơn Tây; vẫn còn những DN thua lỗ kéo dài…
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngoài việc thực hiện dứt điểm những đơn vị còn tồn tại của giai đoạn trước, TP tiếp tục CPH với 16 DN, trong đó có 5 tổng công ty lớn. Đoàn giám sát đề nghị với trách nhiệm là cơ quan thường trực của TP trong vấn đề này, Sở Tài chính cần có đánh giá tổng thể toàn diện về hoạt động của DN sau CPH. Đồng thời, đeo bám để giải quyết dứt điểm các DN khó thực hiện như Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (tồn tại từ giai đoạn trước năm 2011, quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, phức tạp)…
Theo Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai, Sở cũng nên tham mưu cho TP xử lý các đơn vị vi phạm, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Làm rõ lộ trình cụ thể từng đơn vị trong diện CPH, lưu ý đến tính đặc thù của từng đơn vị để có phương án CPH tối ưu nhất. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý của chủ sở hữu, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý. Đồng thời, tiếp tục làm tốt hơn nữa việc công khai minh bạch theo quy trình, đặc biệt giai đoạn tới TP sẽ tiến hành CPH các tổng công ty lớn. “Để nâng cao chất lượng CPH, có thể thuê tư vấn độc lập như đang thực hiện, nhưng phải lựa chọn đơn vị chuẩn” - bà Mai nêu.