Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa: Cơ quan quản lý vào cuộc

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước phản ứng của dư luận và phụ huynh học sinh về những bất cập của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa, Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã vào cuộc, đồng thời ra chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động này.

Tổ chức dạy liên kết thế nào mới đúng?

Hành lang pháp lý để triển khai hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa được quy định tại nhiều luật và cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế không ít nhà trường đã cố tình lách thông tư, thực hiện không đúng quy định dẫn đến hình thức mục tiêu của hoạt động này bị bóp méo, từ đó gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh (Ảnh minh họa)
Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh (Ảnh minh họa)

Vậy triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa thế nào là đúng quy định? Ông Đào Tân Lý - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho hay, khi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, giáo viên cần phải thực hiện đầy đủ các tiết bắt buộc theo đúng định mức giảng dạy, không được cắt xén hay giảm bớt, tránh tình trạng giáo viên chưa làm hết định mức đã thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Chỉ khi đã thực hiện đầy đủ chương trình của Bộ GD&ĐT và còn thời gian trống, giáo viên mới thực hiện tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Trước khi thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, nhà trường có trách nhiệm thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu, sở thích của học sinh. Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý: Các trường không được sắp xếp các tiết hoạt động ngoài giờ chính khoá xen vào giờ chính khoá nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tham gia. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng cần khoa học, không được gây quá tải cho học sinh. Nhà trường có thể đưa ra nhiều nội dung, chương trình đa dạng, nhưng cần khuyến cáo không để học sinh chọn tất cả nội dung, chỉ chọn 1-2 chương trình, đảm bảo vừa sức, vừa thời lượng, không gây áp lực hay quá tải.

Các hoạt động ngoài giờ cần sắp xếp linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, số lượng đăng ký của học sinh từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các học sinh khác. Đối với những học sinh không đăng ký, nhà trường có thể sắp xếp cho học sinh tham gia các câu lạc bộ, hoạt động khác phù hợp do giáo viên nhà trường thực hiện trong cùng khung giờ.

Rà soát, chấn chỉnh hoạt động dạy liên kết

Trước phản ứng của dư luận về những lộn xộn của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa, nhiều địa phương cả nước đã tích cực vào cuộc, trong đó Nghệ An là địa phương đầu tiên quyết định tạm dừng hoạt động liên kết với các trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường, cơ sở giáo dục để rà soát lại các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống.

Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu rà soát các hoạt động giáo dục liên kết ngoài giờ chính khóa  tại nhà trường (Ảnh minh họa)
Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu rà soát các hoạt động giáo dục liên kết ngoài giờ chính khóa tại nhà trường (Ảnh minh họa)

Tại Đà Nẵng, Sở GD&ĐT đang kiểm tra một số phòng giáo dục và đi thực tế các trường, chú trọng kiểm tra hoạt động dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho hay: Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài là môn học tự nguyện, các trường chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa. Sở nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức nội dung này phải bảo đảm quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lý học sinh.

Sở GD&ĐT TP Hải Phòng mới đây cũng chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa khác. Sở đề nghị trường THPT, các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của đơn vị mình. Phòng GD&ĐT quận, huyện báo cáo UBND quận, huyện để tham mưu tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc địa bàn phụ trách.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đang rà soát hoạt động dạy, học liên kết trong các trường phổ thông; yêu cầu các trường sẽ trình đề án liên kết trước khi thực hiện. Việc triển khai dạy, học liên kết ở cấp học nào sẽ do đơn vị chức năng cấp học đó quản lý.

Để hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa thực hiện đúng yêu cầu, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 5333 đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục tới UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, các cơ sở giáo dục đào tạo cả nước.

Trong công văn, Bộ GD&ĐT khẳng định các hoạt động ngoài giờ chính khóa góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học; tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động này còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt.

Do đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học; đồng thời báo cáo về Bộ trước 15/10.

Hiện các đơn vị, trường học đã và đang triển khai các nội dung chấn chỉnh theo chỉ đạo. Để việc triển khai hoạt động liên kết ngoài giờ chính khóa có chuyển biến tích cực, đúng hướng đòi hỏi công tác kiểm tra, rà soát của các cơ quan chức năng phải được tiến hành nghiêm túc, khách quan và có giám sát chặt chẽ.