Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa: Phụ huynh ngóng chờ điều chỉnh

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Không phủ nhận những mặt tích cực của hoạt động dạy liên kết ngoài giờ chính khóa; tuy nhiên, trước nhiều sạn trong triển khai hoạt động này cùng việc đã nắm được tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, dư luận và phụ huynh đang chờ đợi những điều chỉnh từ phía nhà trường.

Số đơn vị ra văn bản chấn chỉnh vẫn còn lẻ tẻ

Nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa nhưng trước phản ứng của dư luận cùng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, mới chỉ số ít đơn vị nhìn thẳng những tồn tại trong công tác thực hiện ở địa phương mình và có động thái chấn chỉnh liên quan đến nội dung này.

Nhiều lớp học vẫn đang triển khai thời khóa biểu có tiết liên kết chèn thời gian chính khóa (Ảnh PHCC)
Nhiều lớp học vẫn đang triển khai thời khóa biểu có tiết liên kết chèn thời gian học 2 buổi/ngày (Ảnh PHCC)

Là địa phương tích cực đi đầu trong công tác kiểm tra hoạt động liên kết ngoài giờ chính khóa, tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt bằng việc ban hành hai văn bản.

Giữa tháng 9/2023, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An ra thông báo tạm dừng việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục công lập với các trung tâm dạy kỹ năng sống để tiến hành rà soát. Đầu tháng 10/2023, Sở GD&ĐT tỉnh này tiếp tục ban hành công văn về việc không thực hiện chương trình tăng cường tiếng Anh năm 2023 - 2024 đối với 10 trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn. Đây đều là các trung tâm có tiếng tại Nghệ An: Trung tâm Anh ngữ Blue Sky (thị xã Hoàng Mai); trung tâm Anh ngữ OLwen ( TP Vinh); trung tâm Anh ngữ Hoàng Quân IQ ( TP Vinh); trung tâm Anh ngữ Education (TP Vinh); trung tâm Ngoại ngữ STD Links (TP Vinh); trung tâm Anh ngữ Kids Today Quỳnh Lưu (huyện Quỳnh Lưu); Trung tâm Seamap (huyện Nam Đàn); Top Edu Đô Lương...

Lí do 10 trung tâm ngoại ngữ bị dừng liên kết chương trình tiếng Anh tăng cường trong trường học được đưa ra gồm: Hết hạn lao động với giáo viên nước ngoài và đủ điều kiện thực hiện nhưng xin chưa thực hiện trong năm học 2023 - 2024.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, trong thời gian tạm dừng dạy liên kết với trung tâm, việc dạy kỹ năng sống, tiếng Anh cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm và các tiết học thông thường.

Ngoài Nghệ An, đến nay, cả nước có khoảng 10 tỉnh, thành (Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tiền Giang, Thái Bình, Phú Thọ, Nam Định) có “lệnh” tạm dừng hoặc chấn chỉnh, rà soát hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa để đảm bảo hoạt động này diễn ra hiệu quả, khoa học, hợp lý trên nguyên tắc không cắt xén thời gian dạy học chính khóa để tổ chức hoạt động ngoài giờ.

Theo nhận định, con số trên còn rất khiêm tốn bởi văn bản của Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương rà soát về hoạt động này và có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT trước ngày 15/10.

Phụ huynh mong sớm có chấn chỉnh từ thực tế

Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT đã nêu rõ nguyên tắc liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa cùng các quy định, nghị định về nội dung này để các cơ sở giáo dục nắm rõ.

Sở đang tiến hành rà soát hoạt động dạy- học liên kết trong các trường phổ thông; yêu cầu các trường trình đề án liên kết trước khi thực hiện; đồng thời nêu rõ: Việc triển khai dạy- học liên kết ở cấp học nào sẽ do đơn vị chức năng cấp học đó quản lý.

Một số huyện tại Hà Nội đã có văn bản tam dừng dạy các tiết liên kết để tiến hành rà soát (Ảnh minh họa)
Một số huyện tại Hà Nội đã có văn bản tam dừng dạy các tiết liên kết để tiến hành rà soát (Ảnh minh họa)

Hiện có một số phòng GD&ĐT quận, huyện tại Hà Nội đã có văn bản gửi các nhà trường, chỉ đích danh thực trạng và nêu rõ quan điểm chỉ đạo. Cụ thể: Từ ngày 2/10, toàn bộ các trường trên địa bàn huyện Thanh Trì sẽ tạm dừng dạy các tiết liên kết, dạy thêm để tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc tổ chức giảng dạy chương trình liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Đây là chủ trương của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. 

Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cũng có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn tạm dừng toàn bộ hoạt động liên kết (dạy kỹ năng sống, bổ trợ tiếng Anh, câu lạc bộ nghệ thuật…) trong các nhà trường. Việc tạm dừng được thực hiện cho đến khi các trường học có đầy đủ các loại hồ sơ (Tờ trình, Đề án dạy học, Chương trình dạy học, Danh sách Giáo viên giảng dạy, Đề án sử dụng tài sản công để liên kết) và được phòng GD&ĐT huyện phê duyệt.

Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn đề nghị hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng GD&ĐT huyện nếu tự ý triển khai các hoạt động liên kết trong nhà trường với các đơn vị liên kết khi chưa có đủ các điều kiện theo quy định và chưa được phê duyệt.

Ngoài hai đơn vị trên, Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh mới ra văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động phối hợp, bổ trợ kiến thức, kỹ năng cho học sinh trên địa bàn. Theo đó, Phòng yêu cầu các nhà trường tự kiểm tra, rà soát hồ sơ của nhà trường và hồ sơ của đơn vị phối hợp, đặc biệt là hồ sơ pháp lý phải đảm bảo đầy đủ, đúng quy định. Việc tham gia học liên kết phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, tuyệt đối các nhà trường không được ép buộc dưới bất cứ kỳ hình thức nào; không được xếp thời khóa biểu các môn ngoài giờ chính khóa xen kẽ các buổi học chính khóa.

Bên cạnh nhiều tỉnh thành, đơn vị tích cực vào cuộc, vẫn có đơn vị chưa có động tĩnh gì khiến phụ huynh chờ đợi, sốt ruột. Thậm chí, có đơn vị xảy ra tình trạng các nhà trường xen kẽ tiết học liên kết trong giờ chính khóa nhưng phớt lờ chỉ đạo từ cấp hoặc vẫn còn hiện tượng lãnh đạo phòng giáo dục cho rằng đơn vị mình quản lý không có hiện tượng này!

"Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT sớm có văn bản chỉ đạo về vấn đề trên để hoạt động liên kết ngoài giờ chính khóa tại các nhà trường được thực hiện thống nhất trên toàn quốc; đồng thời loại bỏ được những xộn lộn không đáng có để hoạt động này thực sự mang lại giá trị cho học sinh"- một hiệu trưởng nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng lộn xộn trong triển khai dạy liên kết ngoài giờ liên quan tới trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường. Cùng với đó, Trưởng phòng GD&ĐT và các đơn vị quản lý cấp trên cũng phải có trách nhiệm liên đới khi vẫn có hiện tượng lách luật, lách thông tư xảy ra trong phạm vi ngành mình quản lý.

Khi triển khai hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa cần đảm bảo đúng nguyên tắc, quan tâm hiệu quả thực tế, tránh việc chỉ nhăm nhăm nhìn vào phần trăm hoa hồng do đối tác trích lại. Chỉ khi các đơn vị ý thức được về trách nhiệm của mình; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm thì môi trường giáo dục mới thực sự trong sạch, hạnh phúc.